Sáng 12-4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4-2023, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chương trình phiên họp diễn ra trong 2,5 ngày, trống 0,5 ngày làm việc là do dự án Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) dù dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhưng đến nay vẫn chưa có hồ sơ dự án luật. Chủ tịch Quốc hội lưu ý là dù đã đôn đốc nhiều lần nhưng vẫn xảy ra tình trạng chậm gửi hồ sơ, tài liệu dự án luật.

Trong thời gian 2,5 ngày làm việc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, ở nhóm vấn đề thứ nhất Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 3 dự án luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới gồm: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ  phát biểu khai mạc phiên họp.

Dành nhiều thời gian để nói về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thị trường bất động sản là một trong những thị trường cơ bản trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngành nghề kinh doanh bất động sản cũng là một trong những yếu tố bảo đảm cho tăng trưởng của nền kinh tế và liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau. Dự án luật này đã thực hiện trong thực tế được 8 năm, đến nay vẫn còn có một số vướng mắc và bất cập. Do đó, lần này Chính phủ để đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh những vấn đề cần sửa đổi lần này; nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề tính thống nhất của hệ thống pháp luật bởi dự án luật này liên quan đến nhiều luật khác.

"Ý kiến của nhiều chuyên gia và nhiều doanh nghiệp nói rằng, Luật Kinh doanh bất động sản hiện nay giao thoa với rất nhiều dự án luật, trong đó có Luật đầu tư, Luật Xây dựng và một số dự án luật khác đang xây dựng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở...", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh thị trường kinh doanh bất động sản liên quan đến thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng và "một căn hộ chung cư khi chúng ta đưa vào sử dụng thì liên quan đến hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn mặt hàng của nền kinh tế"...

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, giai đoạn này việc sửa là cần thiết nhưng rất khó; đòi hỏi các cơ quan hữu quan cần thực sự sâu sát để đáp ứng yêu cầu, tránh sửa xong nhưng không giải quyết được vướng mắc hay lại tạo ra những vướng mắc khác.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và các đại biểu dự phiên họp.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự phiên họp.

Về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự án luật này có ý nghĩa then chốt để thúc đẩy và tạo hành lang pháp lý cho quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Tần số vô tuyến điện và dự kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Nếu sửa đồng bộ được dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho phát triển về công nghệ thông tin cũng như quá trình chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, công dân số và xã hội số ở Việt Nam.

Về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp thường kỳ thứ 21 (tháng 3-2023) vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh 2023 để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Nhấn mạnh đây là dự án luật rất quan trọng, liên quan đến đông đảo nhân dân, cử tri và việc sửa luật cũng là cơ sở để tạo bước đột phá về chuyển đổi số của nước ta, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích rõ thêm tính hợp lý, khả thi, sự phù hợp của quy định trong dự thảo luật với đường lối, chủ trương của Đảng, cân nhắc kỹ lưỡng tác động của các chính sách mới được đề xuất đối với việc bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cũng tại phiên họp chuyên đề pháp luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về nhóm vấn đề thứ hai là việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với các dự án: Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

"Các dự án luật này đã được trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10 nhưng chưa được thông qua. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất và Chính phủ cũng đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến rộng rãi của đại biểu Quốc hội cũng như sửa đổi, nghiên cứu, bổ sung, bảo đảm phù hợp theo ý kiến chỉ đạo của Trung ương", Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhóm vấn đề thứ ba tại phiên họp này là Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay – Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là dự án quan trọng quốc gia này vì liên quan đến chuyển đổi đất rừng. Quy mô không lớn nhưng liên quan đến chuyển đổi đất rừng và quy mô về chuyển đổi đất rừng thuộc phạm vi quyết định của Quốc hội.

Quang cảnh phiên họp.

Ngoài các dù nội dung trên, tại phiên họp này, theo chương trình dự kiến ban đầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ đề xuất một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam dự kiến để đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp Quốc hội lần thứ 5.

Mặt khác, vừa qua Chính phủ lại có Tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần cân nhắc kỹ, chỉ nên trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội một dự án bởi 2 nội dung này giống nhau.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngoài dự án quan trọng quốc gia thì các nội dung khác của phiên họp đều là những nội dung liên quan đến công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy kết quả của các phiên họp trước đây, nghiên cứu kỹ lưỡng, phát biểu sôi nổi, thẳng thắn, nêu rõ những vấn đề đề nghị lưu ý hoặc quan tâm nghiên cứu thêm để cơ quan chủ trì thẩm tra và soạn thảo có hướng để làm rõ hơn.

Tinh thần là những dự án luật có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành. Những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm. Trước mắt chưa triển khai xây dựng những dự án luật có nội dung phức tạp mà còn có nhiều ý kiến khác nhau và cần phải có thêm thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng hơn. 

Theo qdnd.vn