Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954), là một kỳ tích rạng rỡ, là chiến công oai hùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam ở thế kỷ XX. Với chiến thắng đó, dân tộc Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược, những nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, cam kết chấm dứt chiến tranh, tôn trọng độc lập, chủ quyền của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Cả thế giới nhắc đến “Việt Nam - Hồ Chí Minh, Việt Nam - Điện Biên Phủ” với sự yêu mến, khâm phục. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một “thiên sử vàng”, được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX.

                       

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời, phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”[1]; “đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”[2]. Chiến thắng Điện Biên Phủ trước hết là chiến thắng của sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, với mọi nguồn lực được huy động đến mức cao nhất, trong đó, sức mạnh chính trị, sức mạnh tinh thần của quân và dân ta đóng vài trò rất căn bản và to lớn.

Sức mạnh chính trị, tinh thần của quân và dân ta trong chiến thắng Điện Biên Phủ chính là sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí quật cường, là quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do; là khát vọng hòa bình, ấm no, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam được huy động và tích tụ trong suốt quá trình kháng chiến trường kỳ. Quyết tâm và khát vọng đó được thể hiện tập trung trong đường lối lãnh đạo và quyết tâm chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình đã phát đi một thông điệp chính trị, một quyết tâm của nhân dân Việt Nam với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[3]. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiệu triệu: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”[4].

Quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do đã trở thành sức mạnh vật chất để cả dân tộc phát huy truyền thống “cả nước đánh giặc”, “trăm họ cũng là binh”, đồng tâm nhất trí tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ đi đến thắng lợi. Từ chỗ tương quan lực lượng ta - địch ở thế “châu chấu đá voi”, quân và dân ta vừa đánh vừa xây dựng thực lực mọi mặt, từng bước đánh bại những nỗ lực của đối phương, vươn lên giành quyền chủ động chiến lược, tạo lập và phát huy ưu thế về quân sự.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quyết tâm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành quyết tâm của cả dân tộc. Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm địch tại Điện Biên Phủ trở thành mệnh lệnh thiêng liêng thôi thúc nhân dân cả nước cung cấp nhân, vật lực cho chiến dịch. Đầu tháng 12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”[5]. Các lực lượng vũ trang đẩy mạnh tấn công địch trên khắp các chiến trường; phong trào chiến tranh du kích, phá tề trừ gian và các cuộc đấu tranh chính trị mít tinh, biểu tình, bãi công, bãi khóa, bãi thị liên tiếp nổ ra ở vùng tạm bị chiếm và trong các đô thị; tại chiến trường chính Điện Biên Phủ, quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm là tinh thần quyết chiến, quyết thắng, tinh thần phấn đấu hy sinh, khắc phục gian khổ của Bộ Chỉ huy chiến dịch, của bộ đội và các lực lượng tham gia chiến dịch; “tinh thần tiên phong của những đảng viên cộng sản một lòng vì nước, vì dân, nêu cao tinh thần gương mẫu trong chiến đấu, không quản gian khổ, hy sinh, sẵn sàng xả thân để giành chiến thắng. Tại mặt trận, trước tình huống khó khăn, gay go, quyết liệt đã vang lên tiếng thét: “Các đảng viên cộng sản tiến lên!”, “Ai là người theo Đảng hãy tiến lên!”. Hai tiếng đảng viên thiêng liêng và hành động tiên phong gương mẫu của đảng viên đã có sức mạnh cổ vũ đồng đội xông lên tiêu diệt kẻ thù, giành thắng lợi”[6]. Hình ảnh “Chiến sĩ Điện Biên” trở thành biểu tượng lòng dũng cảm, sự hy sinh vô bờ bến, sức mạnh của tinh thần làm nên sức mạnh chiến thắng của “Bộ độ Cụ Hồ”.

  

Sức mạnh chính trị, tinh thần của quân và dân ta trong chiến thắng Điện Biên Phủ cũng đến từ sức mạnh của chế độ mới, chế độ dân chủ nhân dân. Ngay từ đầu và trong suốt quá trình kháng chiến, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra và thực hiện nhất quán chủ trương “Kháng chiến - kiến quốc”. Kiến quốc là xây dựng chế độ mới, trong đó, nhân dân được cải thiện về đời sống; được hưởng dụng những quyền tự do, dân chủ. Tính ưu việt của chế độ mới đã tạo ra động lực tinh thần to lớn để nhân dân ủng hộ, tham gia Mặt trận dân tộc thống nhất, xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ Đảng và tạo các nguồn lực to lớn để thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân.

Tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, nguồn lực phục vụ chiến dịch rất lớn. Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh - trực thuộc Bộ Chính trị công bố trong tác phẩm Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, các địa phương Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu III và Liên khu IV đã cung cấp cho chiến dịch (số huy động tại gốc) 250.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Tính riêng số vật phẩm chuyển được ra mặt trận là hơn hai vạn tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 256 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, đã tiếp tế cho bộ đội 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt, 700-800 tấn rau xanh[7]. Nguồn lực to lớn cung cấp cho chiến dịch trên đây chính là sản phẩm của công sức và tinh thần của nhân dân, là kết quả của chế độ dân chủ nhân dân do Đảng lãnh đạo.

Đặc biệt, dưới chế độ mới, khát khao ngàn đời của nông dân về ruộng đất từng bước được đáp ứng. Bộ Chính trị nêu rõ các nhiệm vụ phải lãnh đạo thực hiện: “Cần phải nhận rõ chủ trương quân sự của Trung ương, phải đặt nhiệm vụ tác chiến và phục vụ tiền tuyến là nhiệm vụ trung tâm thứ nhất trong mọi công tác lúc này và phải quyết tâm huy động nhân lực, vật lực để phục vụ tiền tuyến. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ việc phục vụ tiền tuyến với việc phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất và việc tăng gia sản xuất”[8]. Cải cách ruộng đất mới thực hiện ở một số địa phương vùng tự do nhưng đã tạo nên một bầu không khí chính trị mới, đã tạo nên niềm phấn khởi, có tác dụng động viên cao độ tinh thần kháng chiến của nông dân và bộ đội, mà đa số là những người nông dân mặc áo lính, nhất là đối với các chiến sĩ chiến đấu tại chiến trường chính Điện Biên cũng như hàng chục vạn dân công trên các tuyến đường.

Sức mạnh chính trị, tinh thần của quân và dân ta trong chiến thắng Điện Biên Phủ còn đến từ bản chất của cuộc chiến tranh chính nghĩa, tinh thần yêu chuộng hoàn bình, sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp hòa bình để kế thúc chiến tranh trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, được nhân dân tiến bộ và ưa chuộng hòa bình trên thế giới đồng tình ủng hộ.

Ngay sau thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát đi một thông điệp hòa bình với nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Pháp: Việt Nam muốn làm bạn với các nước dân chủ, không gây thù oán với một ai. Nhưng khát vọng độc lập và hòa bình của nhân dân ta bị giới thực dân Pháp hiếu chiến chà đạp, khước từ; nhân dân Việt Nam không còn con đường nào khác buộc phải dùng vũ khí để “phê phán kẻ thù cầm vũ khí”. Ngày 26/11/1953, trả lời một nhà báo Thụy Điển, Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ rõ thiện chí hòa bình và lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc giải quyết cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp. Người nói: “nếu Chính phủ Pháp đã rút ra được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó. Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”[9]. Ngày 27/12/1953, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Thông tri “Về lời tuyên bố của Hồ Chủ tịch với nhà báo Thụy Điển”, nhấn mạnh: “đối với nhân dân Việt Nam, hòa bình không thể tách rời độc lập dân tộc”[10].

Trước trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ, giáng đòn quyết định vào cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, thông điệp mong muốn giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh đã tạo ra sự đồng tình, ủng hộ, phối hợp và giúp đỡ mạnh mẽ hơn nữa của nhân dân thế giới cũng như bạn bè quốc tế. Sự giúp đỡ to lớn của quốc tế, trước hết là của nhân dân Lào, nhân dân Campuchia và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa về nhiều mặt vừa là nguồn lực vật chất, vừa là nguồn sức mạnh chính trị, tinh thần, góp phần tạo nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã để lại những bài học, những kinh nghiệm quý giá, trong đó có bài học về phát huy sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; kết hợp sức mạnh vật chất với sức mạnh chính trị, tinh thần; động viên cao nhất sức mạnh tinh thần tại những thời điểm khó khăn hoặc mang tính bước ngoặt để thực hiện mục tiêu, đưa cách mạng đến thắng lợi rất cần được nghiên cứu sâu sắc và vận dụng vào công cuộc đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay./.

Tin bài: Trung tá Nguyễn Văn Chung

Hệ Quốc tế/ Học viện Quốc phòng

 

[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 14, tr.315.

[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 14, tr.271.

[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 4, tr.3.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 4, tr. 534.

[5] Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh - trực thuộc Bộ Chính trị (1996), Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 202.

[6] Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2004), Tinh thần Điện Biên Phủ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, trình bày tại Hội thảo khoa học Quốc gia kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và công cuộc đổi mới phát triển đất nước (1954 - 2004) do Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức tại Thành phố Điện Biên ngày 7 và 8/3/2004.

[7] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh - Trực thuộc Bộ Chính trị (1996), Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.202.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 15, tr.15, 32.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 15, tr.598, 517.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 14, tr. 554.