Cách đây 80 năm, sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, để diệt “Giặc dốt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động Phong trào “Bình dân học vụ” để xóa nạn mù chữ trong toàn dân. Sau 80 năm, đất nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để có được hòa bình, độc lập và sánh vai cùng các cường quốc năm châu, đạt được nhiều thành tựu to lớn, vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, đứng trước vận hội mới, đặc biệt là sự phát triển của khoa học, công nghệ hiện đại trên thế giới, nước ta cần nhanh chóng nắm bắt những thành tựu tiên tiến của KHCN để thúc đẩy sự nghiệp CNH-HĐH đi đến thành công.
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam; đồng thời là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chính vì vậy, ngày 22 tháng 12 năm 2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tiếp đó, trong bài viết về “Học tập suốt đời”, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh “Mỗi cán bộ, đảng viên cần học về tư cách người cán bộ cách mạng, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân; không ngừng học tập, từ cập nhật kiến thức mới, tham gia tích cực Phong trào “Học tập số”, phổ cập, nâng cao kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức số”... và để hiện thực hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và chị thị của Tổng Bí thư Tô Lâm, ngày 26 tháng 3 năm 2025, Thủ tướng Chính phủ phát động Phong trào “Bình dân học vụ số” toàn dân và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số”.
Thực hiện Kế hoạch số 2451/KH-BQP, ngày 08 tháng 5 năm 2025 của Bộ Quốc phòng về việc tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trong Bộ Quốc phòng. Sáng ngày 13 tháng 5 năm 2025, Học viện Quốc phòng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trong Học viện theo chương trình hội nghị của Bộ Quốc phòng bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Chủ trì điểm cầu Bộ Quốc phòng có đồng chí Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Quân ủy Trung ương (QUTƯ) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Quân đội (Ban chỉ đạo 3488).
Chủ trì điểm cầu tại Học viện Quốc phòng có đồng chí Trung tướng Ngô Trọng Cường, Phó Giám đốc Học viện.
Phong trào “Bình dân học vụ số” là động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển toàn xã hội trong kỷ nguyên số, đáp ứng sự phát triển của công nghệ trên toàn thế giới, khu vực, trong nước và quân đội để tạo động lực to lớn đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Từ ý nghĩa và tầm quan trọng và để toàn quân triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Bình dân học vụ số”, đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường tập trung quán triệt, thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:
Các cấp ủy, chỉ huy, tổ chức quần chúng quán triệt, triển khai quyết liệt phong trào “Bình dân học vụ số”, trong đó tập trung thực hiện tốt “1 mục tiêu” (phổ cập tri thức số, kỹ năng số cơ bản cho mọi cán bộ, chiến sĩ), “2 phát huy” (phát huy hiệu quả các nguồn lực; phát huy tinh thần người biết dạy người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít, tinh thần học tập suốt đời và khát vọng vươn lên làm chủ tri thức số), “3 bảo đảm” (bảo đảm cơ chế, chính sách để triển khai phong trào một cách thiết thực hiệu quả; tiếp tục bảo đảm hạ tầng đồng bộ, linh hoạt phù hợp với từng đối tượng, từng điều kiện đơn vị; sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tăng cường phòng, chống lãng phí), “4 nhiệm vụ trọng tâm” (xây dựng hệ sinh thái học tập, phát triển nền tảng học tập số toàn quân ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lơn; xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo động lực học tập; xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên số, phát triển tình nguyện viên, tuyên truyền viên số, huy động lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả để bảo đảm tính minh bạch).
Đồng thời, người đứng đầu phải đi tiên phong trong thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” ở đơn vị mình. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhân viên, chiến sĩ tiên phong, gương mẫu trong thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”, phấn đấu mỗi người là một “Công dân số”, “Quân nhân số”. Tích cực tự học tập, rèn luyện để có những kiến thức cơ bản, kỹ năng số cần thiết để tham gia vào tiến trình chuyển đổi số của đất nước, Quân đội. Tất cả các tổ chức vào cuộc thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” để tạo không khí, sức bật mới ở mọi cấp, mọi ngành.
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Quân đội thi đua đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số” gắn với phong trào “Bình dân học vụ số” trong quân đội thông qua việc xây dựng các mô hình “Đơn vị số”, “Quân nhân số”. Thực hiện phong trào thi đua gắn với thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập trong quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, hưởng ứng phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”.
Năm 2025, cán bộ, chiến sĩ có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số; sử dụng được các thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ thiết yếu; 100% học viện, nhà trường quân đội được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu, giảng dạy.
Năm 2026, 100% cán bộ, chiến sĩ hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ công việc; sử dụng được thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, bảo vệ bản thân trên môi trường số.
Đối với Học viện Quốc phòng, sau Hội nghị quán triệt, triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”, trong tháng 5 tiến hành xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” trong toàn Học viện, quyết tâm xây dựng Học viện trở thành điểm sáng của toàn quân trong thực hiện phong trào, xây dựng Học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực, hiện đại góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong kỷ nguyên số./.
Tin, bài và ảnh: Ngô Văn Chung,
Nguyễn Việt Hòa.