Lợi dụng hệ thống báo chí, truyền thông để tuyên truyền chống phá trên bốn vấn đề như: chính sách của Nhà nước Việt Nam; lợi dụng sự có mặt của các tổ chức quốc tế hiện nay tại Việt Nam (như các tổ chức phi chính phủ, các quỹ hỗ trợ Việt Nam, các định chế tài chính quốc tế); hình thành “ý thức tự do dân chủ” cho người dân Việt Nam; sự tương tác trong mối quan hệ Mỹ - Trung.

Phát huy truyền thống “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trí thức là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân. Ngay trong giai đoạn chuẩn bị thành lập Đảng, với bí danh Nguyễn ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng tập hợp trí thức. Khi tới Quảng Châu - Trung Qưốc, Người đã tìm đến Tâm Tâm xã, một tổ chức của thanh niên tiểu tư sản trí thức Việt Nam đang khao khát tìm con đường phát triển mới của dân tộc. ở đây, Nguyễn ái Quốc đã tuyên truyền cho họ về chủ nghĩa Mác - Lênin, về Cách mạng Tháng Mười Nga và Quốc tế Cộng sản, về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Một số trí thức đã được Người cử đi dự các lớp huấn luyện ở Quảng Châu hoặc cử đi học tại trường đại học Phương Đông ở Matxcơva. Được Người giáo dục rèn luyện, nhiều trí thức đã sớm giác ngộ cách mạng, gia nhập Đảng và các tổ chức quần chúng của Đảng, nêu gương sáng về lòng trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân. Những trí thức giác ngộ cách mạng như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp.đã trở thành hạt nhân giữ những trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước trong các giai đoạn cách mạng.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định những trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Người đã trực tiếp tìm chọn, trọng dụng những người có tài, có đức trong giới trí thức để giao cho họ những nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, trong đó có nhiều người được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ. Trong danh sách Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 31-8-1945 ta thấy có 14 vị mà phần lớn là các nhân sĩ trí thức.

Trong lời kêu gọi quốc dân đồng bảo tìm người tài đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ không nghe đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài, đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi những điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải ngay lập tức điều tra nơi nào có người tài, đức, có thể làm được những việc ích nước, lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”1. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều trí thức trong nước và trí thức Việt Kiều đã tự nguyện từ bỏ cuộc sống đầy đủ của mình để tham gia kháng chiến, kiến quốc. Từ những bậc chí sĩ như cụ Huỳnh Thúc Kháng đến các nhà khoa học, như: Tạ Quang Bửu, Trần Đaị Nghĩa, Phạm Huy Thông, Trần Huy Liệu, Nguyễn Hữu Thọ đều được Người trọng dụng và tin tưởng giao những trọng trách lớn trong bộ máy của nhà nước các cấp, các ngành. Người viết: “Chúng ta có quyền tự hào rằng: Những người lao động trí óc ở Việt Nam đều đứng trong hàng ngũ kháng chiến”2. Nhiều cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã nhận xét rằng, chỉ có Hồ Chí Minh và chỉ có truyền thống trọng dụng tài đức của dân tộc ta trí thức mới có đất dụng võ, mới thấy được cơ hội để toàn tâm, toàn ý phục vụ lợi ích của dân tộc, của quốc gia.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về lực lượng trí thức, Đảng ta luôn coi trí thức là vốn quý của dân tộc, là lực lượng tiêu biểu cho trình độ trí tuệ của toàn dân. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trong các cuộc kháng chiến cứu nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tập hợp rộng rãi những tri thức yêu nước, đào tạo, bồi dưỡng những nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, văn nghệ sĩ để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong các giai đoạn cách mạng. Những trí thức được Đảng giác ngộ, đào tạo, bồi dưỡng đã có những đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến cứu nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất nước từng bước chuyển sang kinh tế trí thức, Đảng ta khẳng định đầu tư xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững và phải coi đó là một hướng đầu tư ưu tiên, bởi, từ đó sẽ tăng nhanh vốn con người, một yếu tố cơ bản đối với sự phát triển đất nước. Đảng ta khẳng định: “Trong cách mạng dân tộc dân chủ, vai trò, giá trị của trí thức đã quan trọng, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, vai trò giới trí thức càng quan trọng. Giai cấp công nhân nếu không có đội ngũ trí thức của mình và nếu bản thân công, nông không được nâng cao kiến thức, không dần dần được trí thức hóa thì không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt chúng ta đang sống trong một thời đại mà cùng với quá trình cách mạng xã hội, đang diễn ra cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại có tác động mạnh mẽ và toàn diện đến đời sống các dân tộc, đến quá trình phát triển kinh tế thế giới, đến bản thân các quá trình cách mạng, cải biến xã hội. Vì vậy, vai trò của tầng lớp trí thức ngày càng quan trọng”3.

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là đột phá chiến lược trong 5 năm tới; đồng thời, là vấn đề có ý nghĩa giá trị lâu dài đối với sự phát triển của đất nước. Đại hội chỉ rõ: Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức là một bộ phận quan trọng, lực lượng nòng cốt trong nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, tiếp thu tinh hoa trí tuệ nhân loại, phổ biến, tuyên truyền các tri thức khoa học và công nghệ đến mọi tầng lớp nhân dân. Về xây dựng đội ngũ trí thức Đại hội chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới”4.

 Để xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức đúng hướng có hiệu quả cao, phải nghiên cứu sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và nắm vững quan điểm của Đảng về xây dựng phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một là, thiết lập và thực hiện có hiệu lực, hiệu quả cơ chế phát huy dân chủ để trí thức được cống hiến năng lực trí tuệ cho nhân dân, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Về vấn đề này, Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học”5. Đây là nguyện vọng chính đáng và cần thiết đối với lao động sáng tạo của trí thức. Những trí thức là người Việt Nam ở trong nước và Việt kều yêu nước ở nước ngoài luôn có tâm huyết, có mong muốn đóng góp, cống hiến trí tuệ của mình cho Tổ quốc bằng tư duy độc lập, ý thức sáng tạo riêng của mình. Vì vậy, cần xây dựng những chính sách cụ thể để phát huy quyền tự do sáng tạo của đội ngũ trí thức, tạo điều kiện để những người làm công tác khoa học và công nghệ tiếp cận với những vấn đề mới của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và có môi trường thuận lợi để phát huy tài năng.

 Theo đó, cần phải tạo ra bầu không khí dân chủ trong hoạt động khoa học, học thuật. Cần có cơ chế tự do tranh luận, thảo luận, đối thoại, bộc lộ chính kiến nhằm tìm ra chân lý trong quá trình tranh luận, thảo luận, đồng thời có sự bảo lãnh, bảo vệ chính đáng của tổ chức và đoàn thể. Tất nhiên cũng cần tránh khuynh hướng lợi dụng tự do, dân chủ trong việc phát ngôn hoặc công bố quan điểm riêng của mình ảnh hưởng xấu đến sự phát triển đất nước, bị xã hội phê phán.

Hai là, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho trí thức. Vấn đề này cũng đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII chỉ rõ: “Ưu tiên đầu tư, phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức”6. Đối với trí thức, điều kiện làm việc là vấn đề tiên quyết, nguyện vọng số một. Chính vì vậy, Nhà nước cần đầu tư cơ sở vật chất  kỹ thuật cho trí thức, cán bộ khoa học và công nghệ như thư viện, phòng thí nghiệm, máy tính, mạng Internet. Nhanh chóng xây dựng và đưa vào sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, các khu công nghệ cao, tạo điều kiện để trí thức có các hoạt động ươm tạo công nghệ cao, công nghẹ phần mềm, công nghệ cơ và điện tử. Đối với các trí thức các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn cần tạo điều kiện cho họ xâm nhập cuộc sống, tổng kết thực hiễn, thiết kế các phương pháp nghiên cứu như thực nghiệm, đo đạc các quan hệ xã hội, trắc nghiệm, phỏng vấn. Đối với các văn nghệ sĩ, phải có chế độ và điều kiện cho sáng tác, biểu diễn, đi thực tế các địa phương, đi phục vụ các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, phải nhanh chóng hình thành và phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tạo những hành lang pháp lý để mối liên hệ giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học và công nghệ với các doanh nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được phát triển đúng hướng, có hiệu quả.

Ba là, có chính sách đãi ngộ xứng đáng về vật chất, tinh thần đối với lao động của trí thức. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ:  “Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài”7. Cần thấy rõ, đãi ngộ xứng đáng về vật chất và tinh thần đối với lao động của trí thức không đồng nghĩa với sự ưu tiên, ưu đãi mà là sự đánh giá đúng tài năng, giá trị của sản phẩm lao động do họ tạo ra cho xã hội. Phải coi chính sách trả lương cũng như những đãi ngộ khác tương xứng với lao động chất xám của trí thức như là một chính sách đầu tư đặc biệt. Bởi vì, trong nền kinh tế thị trường đinh hướng xã hội chủ nghĩa, nếu xem lao động của trí thức là một loại hàng hóa đặc biệt và thực sự nó là loại hàng hóa đặc biệt thì phải có chính sách tiền lương và các loại phụ cấp có quan hệ đến sản phẩm lao động, mang lại lợi ích cho đất nước là một chính sách đầu tư đặc biệt. Cùng với việc đãi ngộ xứng đáng về vật chất, cần có chính sách đánh giá, tôn vinh, khen thưởng kịp thời xứng đáng những trí thức tài năng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần đối với lao động của trí thức không thỏa đáng, lao động của trí thức không được coi trọng thì không những không tạo ra động lực phát triển đội ngũ trí thức mà còn gây ra tình trạng chảy máu chất xám, làm mất đi tài sản vô giá của quốc gia, dân tộc. Nhiều nước tư bản phát triển vốn đã giàu có chất xám từ nguồn trí thức do họ đào tạo, nhưng vẫn luôn có chính sách mua chất xám từ các quốc gia dân tộc khác. Chính vì vậy, phải quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4,  Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr. 451.

2. Sđd, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr. 203.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb CTQG, Hà Nội, 1991, tr. 113 - 114.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr. 167.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr. 167.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr. 167.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr. 167.