An ninh lương thực là vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia hiện nay. Việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia luôn là vấn đề quan trọng của mọi thời đại. An ninh lương thực ngày càng nóng lên, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Theo đánh giá của FAO: “Giá lương thực leo thang là thủ phạm gây nên nhiều cuộc khủng hoảng chính trị trên thế giới. FAO cảnh báo rằng, sự tăng đột biến giá cả có thể là một mối đe dọa chính trị đối với an ninh lương thực cho người nghèo ở khu vực châu á - Thái Bình Dương”. Vì vậy, an ninh lương thực đang thách thức trực tiếp đến sinh tồn, phát triển của cá nhân con người, quốc gia dân tộc và toàn nhân loại nói chung cũng như lĩnh vực quốc phòng, an ninh nói riêng.

An ninh lương thực quốc gia được hiểu là sự đảm bảo của mỗi quốc gia về nguồn cung cấp lương thực cho người dân để hạn chế và đẩy lùi tình trạng thiếu lương thực, nạn đói và tình trạng phụ thuộc vào nguồn cung lương thực nhập khẩu. Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là mọi người có quyền tiếp cận các thực phẩm một cách an toàn, bổ dưỡng, đầy đủ mọi lúc, mọi nơi để duy trì cuộc sống khỏe mạnh và năng động. Đánh giá sự tác động của an ninh lương thực quốc gia đến quốc phòng được dựa trên ba tiêu chí cơ bản, đó là: Sự sẵn có lương thực; tiếp cận lương thực; ổn định lương thực. Như vậy, an ninh lương thực quốc gia có thể tác động sâu sắc đến hoạt động quốc phòng của đất nước và khi các tác động đó lớn đến mức không thể kiểm soát được hoặc xử lý không hiệu quả sẽ gây ra nguy cơ cho quốc phòng. Các nguy cơ này xét trong mối quan hệ giữa an ninh lương thực quốc gia với quốc phòng, có thể do an ninh lương thực trực tiếp tạo ra, cũng có thể do an ninh lương thực gián tiếp tác động, thúc đẩy các tình huống, thách thức phát triển thành nguy cơ củaquốc phòng. Do đó, sự hình thành các nguy cơ của quốc phòng, từ tác động của an ninh lương thực, cần được xem xét trên nhiều khía cạnh với các nội dung khác nhau, bước đầu có thể khái quát thành 3 nguy cơ chính sau:

Thứ nhất, làm suy giảm sức mạnh quốc phòng của đất nước.

Sức mạnh quốc phòng của quốc gia là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố. Những tác động làm giảm khả năng huy động cũng như khả năng phát huy các yếu tố tiềm lực quốc gia đã ảnh hưởng lớn tới sức mạnh quốc phòng của đất nước. Vì thế, vấn đề an ninh lương thực quốc gia và sức mạnh quốc phòng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Xét về mục tiêu chính sách của các chính phủ, an ninh lương thực được coi như một chuỗi liên tục từ mức độ vi mô về đảm bảo dinh dưỡng cho người dân đến mức vĩ mô là đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực cho như cầu tiêu dùng dân sinh và quốc phòng trong nước. Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia theo cả hai góc độ (vi mô, vĩ mô) sẽ giúp thúc đẩy triển vọng tăng trưởng kinh tế hiệu quả hơn, từ đó đất nước có nguồn lực kinh tế để huy động cho quốc phòng. Tác động từ bất ổn an ninh lương thực sẽ làm kìm hãm, thậm chí phá hoại sự phát triển của nền kinh tế, gây khó khăn trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng và mở rộng hợp tác quốc tế về kinh tế; làm suy giảm đáng kể khả năng dự trữ và huy động nguồn lực hậu cần từ nền kinh tế cho các nhiệm vụ quốc phòng.

Thứ hai, an ninh lương thực tác động đến ổn định của quốc gia.

Thực tiễn cho thấy, mất ổn định đất nước do nhiều nguyên nhân; trong đó, tác động từ an ninh lương thực quốc gia là một trong những nguyên nhân quan trọng, khó lường. Bởi, an ninh lương thực quốc gia và quốc phòng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khủng hoảng lương thực sẽ dẫn đến giá lương thực tăng cao, nguồn cung lương thực không đủ, lập tức ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt hàng ngày của mọi người. Người xưa có câu dân dĩ thực vi tiên, theo nghĩa hẹp có thể luận là dân lấy cái ăn làm đầu; còn Lê Quý Đôn cho rằng: “Phi nông bất ổn”, khi an ninh lương thực không được bảo đảm sẽ tác động tạo tâm lý hoang mang, làm suy giảm ý chí, quyết tâm và lòng tin của nhân dân đối với chế độ; đồng thời, có thể làm gia tăng mâu thuẫn xã hội, nhất là giữa các tầng lớp dân cư.

Hậu quả từ mất ổn định an ninh lương thực có thể dẫn đến mất ổn định đất nước trên nhiều lĩnh vực, như: Chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại...  tác động trực tiếp làm kìm hãm phát triển kinh tế, gia tăng đói nghèo. Từ đó, làm thay đổi kết cấu xã hội, mâu thuẫn nội bộ gia tăng, tạo tâm lý bất bình, chống đối của dân chúng đối với chính quyền, gây khủng hoảng xã hội trầm trọng.

Chính vì lẽ đó, trong điều hành quản lý đất nước, cần đáp ứng nguồn lương thực, thực phẩm, đảm bảo các nhu cầu cơ bản của cuộc sống cho người dân. Việc xác định rõ nội hàm cũng như tác động của an ninh lương thực đến quốc phòng sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách quốc gia nhận diện, đánh giá toàn diện và sâu sắc sự cần thiết bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Thứ ba, tác động hình thành nguy cơ xung đột và chiến tranh.

Nguy cơ xung đột và chiến tranh được hình thành từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, cả bên trong và bên ngoài; trong đó nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm được dự báo sẽ tăng lên trong những thập kỷ tới. Những người đói khát có nhiều khả năng tham gia vào xung đột vũ trang hơn, có thể là do tuyệt vọng hay là một cách để người thất nghiệp kiếm sống. Các nhà nghiên cứu Cộng hòa Liên bang Đức đã tiến hành phân tích thống kê sự liên quan giữa các cuộc xung đột vũ trang bùng nổ và an ninh phi truyền thông từ giữa năm 1980 đến 2010: “1/4 các cuộc xung đột ở các nước trùng với thiên tai và biến đổi khí hậu. Do đó, sự nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, mùa màng thất bát, thiếu nước và lũ lụt cũng tác nhân gây ra chiến tranh”.

Sự thay đổi khí hậu và tác động của nó đối với dự trữ lương thực toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong những thập kỷ tới và có khả năng đây là nguyên nhân của xung đột vũ trang: “Giá lương thực tăng do hạn hán cũng là một yếu tố trong các cuộc nổi dậy mùa Xuân ả Rập 2011 ở Tunisia, Jordan, Yemen  và  Ai Cp. Thực tế là tình trạng thiếu lương thực kéo dài có thể dẫn đến hành vi quyết liệt, bạo lực đang ngày càng trở nên rõ ràng. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa thực phẩm và chiến tranh là vấn đề phức tạp và đa chiều”3. Cuộc xung đột tại Yemen xét cho cùng có nguyên do từ nhân tố gây bất ổn lương thực. Theo đánh giá của Khung phân loại an ninh lương thực (IPC) được Liên hợp quốc và các đối tác nhân đạo công bố, hơn 17 triệu người đang bị đe dọa bởi tình trạng bất ổn lương thực trầm trọng tại Yemen - quốc gia bị xung đột tàn phá nặng nề; “Cuộc xung đột đã có tác động tàn phá đối với các sinh kế nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi giảm mạnh so với mức ghi nhận từ trước cuộc khủng hoảng”.

Từ những phân tích trên cho thấy, nguy cơ mất an ninh lương thực tác động đến quốc phòng, an ninh của các quốc gia không chỉ từ các vấn đề trong nước mà còn từ các vấn đề khu vực và thế giới, cần được coi trọng và kiểm soát có hiệu quả. Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột và chiến tranh từ các thách thức an ninh phi truyền thống được xem là một trong những mục tiêu cơ bản của quốc phòng ở mỗi nước.

Trong bối cảnh những tác động của biến đổi khí hậu dự kiến sẽ tồi tệ hơn trong những thập kỷ tới và đại dịch tiếp tục tạo ra những hạn chế ở các quốc gia trên thế giới trong tương lai gần, cuộc khủng hoảng lương thực đang gia tăng có thể sẽ tiếp tục. Vì vậy, phải đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo để kiểm soát và đối phó có hiệu quả nguy cơ mất an ninh lương thực là vấn đề cấp thiết, mang tầm chiến lược cần thực hiện hiệu quả một số giải pháp đồng bộ sau:

Thứ nhất, đổi mới cơ chế chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai, đầu tư, tài chính, tín dụng, thương mại hỗ trợ cho nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lương thực, thực phẩm. Điều chỉnh chính sách hỗ trợ các địa phương, hộ gia đình bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất lúa, nhất là đất lúa 2 vụ; thực hiện chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa. Điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương tập trung phát triển công nghiệp với các địa phương chuyên trồng lúa; hỗ trợ thỏa đáng cho các địa phương, hộ nông dân giữ ổn định đất trồng lúa.

Có chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, phát triển hệ thống dự trữ và bảo quản, chế biến lương thực, thực phẩm. Hoàn thiện cơ chế điều hành xuất, nhập khẩu lương thực, thực phẩm linh hoạt, phù hợp với cơ chế thị trường; kết hợp tốt giữa dự trữ lưu thông và dự trữ quốc gia để bảo đảm đáp ứng yêu cầu cứu trợ lương thực, thực phẩm trong trường hợp khẩn cấp về quốc phòng, an ninh.

Lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm để giảm nghèo trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình đầu tư công. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách trợ cấp gạo cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho người dân vùng bị thiếu đói do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực từ an ninh lương thực đến quốc phòng, an ninh giữ vững sự ổn định để phát triển đất nước

Thứ hai, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến lương thực đáp ứng nhu cầu dân sinh và quốc phòng, an ninh.

Tập trung nghiên cứu, chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với cây lúa, cây ăn quả tập trung chọn tạo các giống giàu dinh dưỡng, chịu mặn, chịu hạn, chịu úng. Nghiên cứu vaccine cho vật nuôi thế hệ mới có khả năng phòng các bệnh nguy hiểm; phát triển công nghệ chế biến sâu các sản phẩm vật nuôi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dân sinh và dự trữ cho quốc phòng, an ninh.

Xây dựng, phát triển các vùng sản xuất tập trung, an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP), gắn với cấp mã số vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến. Thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm; thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Thứ ba, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất lương thực.

Sắp xếp, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất; nâng cao năng lực và vai trò của các tổ chức của nông dân trong sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm. Với vùng chuyên canh, ưu tiên tổ chức lại sản xuất gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực (lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản...). Với các vùng không chuyên canh, tăng quy mô tập trung ruộng đất, hỗ trợ về giống, kỹ thuật.

Hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò là trụ cột, nòng cốt, dẫn dắt nhằm góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các lực lượng làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông sản dược liệu để cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và công nghiệp quốc phòng.

Đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương trong sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng, địa phương hướng tới phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị, tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế. Chú trọng phân cấp cho các ngành, địa phương tổ chức dự trữ, tạo nguồn lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo hậu cần tại chỗ cho quốc phòng khi cần thiết.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực.

Tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức lương thực quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến an ninh lương thực, như biến đổi khí hậu, sử dụng nguồn nước, kiểm soát dịch bệnh, khoa học công nghệ, thương mại xuất nhập khẩu...; đàm phán hài hòa hóa và công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm. Tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật trên cơ sở quản lý hiệu quả sản xuất và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nhằm đẩy mạnh thị trường xuất khẩu lương thực, nhất là các thị trường Việt Nam đã ký kết, tham gia các FTAs, trong đó có các FTAs thế hệ mới và chất lượng cao như CPTPP, EVFTA, RCEP... Chú trọng xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, hình thành dự án hợp tác quốc tế trong các dự án phân vùng nông nghiệp trong nước và khu vực nhằm giảm thiểu tác động của các nguy cơ mất an ninh lương thực đối với quốc gia và hoạt động quốc phòng, an ninh.

Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia luôn là vấn đề quan trọng, thiết yếu của đất nước cả trước mắt và lâu dài; khả năng, điều kiện được tiếp cận lương thực, thực phẩm an toàn, đảm bảo dinh dưỡng ngày càng trở thành một quyền cơ bản của mọi người dân. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước, kịp thời ứng phó với các rủi ro về quốc phòng, an ninh có thể xảy ra, nhất là trong điều kiện đại dịch Covid - 19 đang diễn biến phức tạp.

Trung tá Hoàng Ngọc Hưởng

Giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin/HVQP