LTS: Sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ (năm 1991), trên thế giới xuất hiện luận thuyết chính trị về "sự cáo chung của lịch sử” với hàm ý chủ nghĩa tư bản (CNTB) sẽ vĩnh viễn ngự trị trên thế giới, còn chủ thuyết về CNXH được xây dựng trên cơ sở hệ tư tưởng Mác-Lênin sẽ bị lịch sử đào thải. Tuy vậy, những thành tựu to lớn trong xây dựng CNXH ở một số nước đã khẳng định nhận định trên là vội vàng, quy chụp. Sự thật cho thấy, sự phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) đang minh chứng rõ ràng về xu hướng đi lên CNXH là quy luật tất yếu của lịch sử loài người.

Diễn biến tình hình thế giới trong hơn 30 năm kể từ khi mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô sụp đổ đã đặt dấu hỏi nghi vấn về luận thuyết chính trị “sự cáo chung của lịch sử”. Vì thực tế một số quốc gia rất thành công khi vẫn kiên định lựa chọn con đường phát triển đi lên CNXH, điển hình là Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác. Trong khi đó, CNTB trong kỷ nguyên toàn cầu hóa sau Chiến tranh lạnh đã lâm vào cuộc khủng hoảng hệ thống, đẩy thế giới tới tình cảnh bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội ngày một lớn.

Những khiếm khuyết khó có thể lấp đầy dưới chế độ tư bản

Sau Chiến tranh lạnh, CNTB từng bước lâm vào cuộc khủng hoảng hệ thống; mức sống của người dân ngày càng giảm sút do giá cả và lạm phát tăng cao; người dân phải đóng thuế cho các cuộc chiến tranh và xung đột triền miên; sự suy thoái các giá trị tinh thần-đạo đức truyền thống; tệ quan liêu của giới tinh hoa chính trị cầm quyền; tệ tham nhũng; nạn di cư ồ ạt trên phạm vi toàn cầu; sự biến đổi khí hậu trái đất chưa được ngăn chặn; nạn ma túy, chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia hoành hành ở nhiều nước trên thế giới.

Nhận định về cuộc khủng hoảng của CNTB, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel từng nói: “Đã đến lúc thế giới phải chấp nhận thực tế là, sau gần một phần tư thế kỷ kể từ khi nước Đức thống nhất và kết thúc Chiến tranh lạnh, thế giới đang bước sang một kỷ nguyên lịch sử khác thay thế kỷ nguyên ưu thế thuộc về phương Tây”.

Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos năm 2019 với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc thế giới trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đưa ra nhận định, CNTB thế giới đang bước vào kỷ nguyên của những chuyển dịch căn bản do tác động của cục diện kinh tế và chính trị trên phạm vi toàn cầu trong giai đoạn chuyển tiếp từ Cách mạng công nghiệp 3.0 tới Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó đang diễn ra quá trình sắp xếp lại bức tranh kinh tế và chính trị toàn cầu.

Ảnh minh họa

Trong bối cảnh đó, đại dịch Covid-19 đã phần nào phơi bày những “ung nhọt” của các nước tư bản hàng đầu thế giới. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định: “Đại dịch Covid-19 chứng tỏ, đã đến lúc thế giới (CNTB) cần tiến hành công cuộc tái cấu trúc hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế và cộng đồng xã hội bình đẳng, toàn diện, bao trùm, có khả năng phát triển bền vững hơn khi phải đối mặt với các rủi ro như đại dịch, biến đổi khí hậu, sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp dân cư, nạn nghèo đói, sự cạn kiệt tài nguyên, nạn ô nhiễm môi trường trên quy mô toàn cầu, tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố quốc tế"(1). 

Đại dịch Covid-19 chứng tỏ mô hình dân chủ tự do ở đa số các nước phương Tây không còn là khuôn mẫu thế giới, làm tan biến huyền thoại về tính ưu việt của mô hình kinh tế và chính trị của CNTB. Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2020 nhận định: Khi Covid-19 mới bùng phát, nhiều người dự báo đại dịch này sẽ tạo ra sự bình đẳng vĩ đại, trong đó không còn phân biệt người nghèo và người giàu, nhưng thực tế lại chứng tỏ đại dịch này đã khoét sâu thêm sự bất bình đẳng trong xã hội. Nếu không có các biện pháp hóa giải, tất cả các quốc gia, dưới hình thức này hay hình thức khác, sẽ phải đối mặt với sự bất ổn xã hội ngày càng gia tăng. Đại dịch Covid-19 đã đẩy CNTB thế giới tới trước một sự lựa chọn mang tính lịch sử: Tiếp tục phát triển theo mô hình hiện hành mà không thể hóa giải được những thách thức mang tính toàn cầu hoặc là phải tái cấu trúc để chuyển sang mô hình khác có khả năng hóa giải các thách thức đó(2).

Chủ nghĩa tư bản không ngừng điều chỉnh để thích nghi

Để tái cấu trúc mô hình hiện hành của CNTB, nhóm chuyên gia kinh tế hàng đầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới đề xuất phát triển nền kinh tế bao trùm, hoặc nền kinh tế toàn diện, với 5 yếu tố: Cùng tham gia, bình đẳng, tăng trưởng, ổn định và bền vững.

“Cùng tham gia” có nghĩa là tạo cơ hội cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ, được tham gia các quá trình kinh tế như tiếp cận thị trường với tư cách là người lao động, người tiêu dùng và chủ doanh nghiệp.

“Bình đẳng” có nghĩa là tạo cơ hội cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ, được tiếp cận hàng hóa, dịch vụ, cơ sở hạ tầng công cộng, giáo dục, y tế, và được hưởng môi trường không khí trong lành và nước sạch; các công ty phải có nghĩa vụ đáp ứng nhu cầu của tầng lớp lao động sống dưới mức nghèo khổ.

“Tăng trưởng” có nghĩa là chuyển đổi nền kinh tế để cải thiện điều kiện sống của tất cả mọi người, kể cả người nghèo; thay thế việc sử dụng GDP như là chỉ số tăng trưởng kinh tế bằng các chỉ số khác phản ánh mức độ hạnh phúc của người dân.

“Ổn định” có nghĩa là mọi người dân phải được bảo đảm về xã hội, các quyết sách của chính phủ phải được minh bạch và có thể dự báo được.

“Bền vững” có nghĩa là phải tính đến lợi ích dài hạn khi sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên xã hội và con người(3).

Theo Giáo sư Klaus Schwab, đã đến lúc CNTB phải đổi mới mô hình phát triển. Hiện nay trên thế giới đang vận hành 3 mô hình CNTB. Một là, mô hình CNTB cổ đông (shareholder capitalism) đang được hầu hết các nước tư bản trên thế giới áp dụng nhằm mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi giá. Hai là, mô hình CNTB nhà nước (state capitalism) hiện được áp dụng ở đa số các nước đang phát triển, chủ yếu là ở châu Á, trong đó chính phủ nắm trong tay mọi cơ hội, khả năng và đòn bẩy để định hướng phát triển kinh tế. Ba là, mô hình CNTB toàn diện (inclusive capitalism), hoặc CNTB có trách nhiệm xã hội, trong đó các công ty bắt đầu nhận thấy họ không chỉ là tổ chức kinh tế mà còn là tổ chức xã hội, được xã hội ủy thác, hoạt động không chỉ nhằm thu được lợi nhuận và hiệu quả kinh tế cao mà còn phải tập trung nỗ lực khắc phục hậu quả tiêu cực đối với xã hội như sự bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, ô nhiễm môi trường, nạn thất nghiệp, tham nhũng(4). 

Mô hình được áp dụng nhiều nhất hiện nay trên thế giới là CNTB cổ đông, đã từng trở nên phổ biến ở Mỹ trong thập niên 1970 và lan tỏa trên toàn cầu trong những thập kỷ tiếp theo. Sự phát triển nhanh chóng của mô hình này thu hút hàng trăm triệu người trên khắp thế giới phát triển thịnh vượng, đứng ra thành lập các công ty cổ phần để tìm kiếm thị trường và tạo việc làm nhằm thu về lợi nhuận tối đa. Tuy nhiên, do CNTB cổ đông thường theo đuổi các mục tiêu ngắn hạn và không chú ý đến các mục tiêu dài hạn, nên đã từng gây ra hậu quả tiêu cực đối với xã hội và môi trường. Vì thế, hiện nay, CNTB cổ đông đang từng bước được thay thế bằng CNTB có trách nhiệm xã hội, hoặc CNTB toàn diện. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, với CNTB có trách nhiệm xã hội, thế giới sẽ phải hành động chung và nhanh để cải cách tất cả các lĩnh vực đời sống và nền kinh tế, từ giáo dục đến y tế.  

Như vậy, CNTB thế giới đang đứng trước sự phát triển có tính bước ngoặt lịch sử, phải tiến hành cuộc “tái cấu trúc” hướng tới các giá trị như xóa bỏ bất bình đẳng xã hội, đề cao nhân phẩm con người, xóa bỏ tận gốc tình cảnh nghèo đói và tình trạng thất nghiệp, chống tham nhũng, bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống giáo dục và y tế phổ cập toàn dân... Những giá trị đó tương đồng với mục tiêu và các giá trị của CNXH hiện thực trong thế kỷ 20.

Những giá trị tốt đẹp của CNXH và xu thế tất yếu của thời đại

Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong lòng các nước tư bản phát triển hàng đầu thế giới, các giá trị của CNXH lại đang thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân và cả giới tinh hoa chính trị. Có khoảng 57% dân số ở các nước tư bản phát triển hàng đầu thế giới không hài lòng với mô hình CNTB hiện hành ở Mỹ và nhiều nước phương Tây. Các tầng lớp xã hội ở nhiều quốc gia bị vỡ mộng với mô hình dân chủ tự do của CNTB. 

Theo kết quả thăm dò dư luận của Viện Galupp (Mỹ), trong năm 2018, có đến 51% thanh niên Mỹ và 57% đảng viên Đảng Dân chủ Mỹ có cảm tình với các giá trị của CNXH. Ở Cộng hòa Liên bang Đức, người dân đã từng sống ở Cộng hòa Dân chủ Đức đang muốn được quay trở lại chế độ XHCN. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội tiến hành trong năm 2023, có tới 80% người Nga được hỏi ý kiến coi chế độ XHCN thời Xô viết là tốt đẹp và có 63% ý kiến tiếc về sự sụp đổ của Liên Xô. Trong bối cảnh đó, Francis Fukuyama, tác giả của luận thuyết về “sự cáo chung của lịch sử” cũng phải thừa nhận rằng mô hình CNTB hiện hành đang trên đà suy thoái.  

Rõ ràng là, CNXH hiện thực sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào cuối thế kỷ 20 hoàn toàn không phải là “sự cáo chung của lịch sử” mà chỉ là sự sụp đổ của một mô hình cụ thể. Còn CNXH với những giá trị tốt đẹp nhất như là một nấc thang phát triển của loài người để tiến lên chủ nghĩa cộng sản vẫn là xu thế tất yếu của thời đại và đã từng được V.I.Lênin, lãnh tụ của cuộc cách mạng XHCN đầu tiên trên thế giới ở nước Nga dự báo cách đây hơn 100 năm: “CNTB nhà nước độc quyền là sự chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho CNXH, là phòng chờ đi vào CNXH”(5).

Theo qdnd.vn