Đấu tranh trên không gian mạng được xác định là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác tư tưởng của Đảng. Nhiều năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nói chung, trong đó có giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin nói riêng đã rất tích cực, chủ động và đấu tranh có hiệu quả trong “cuộc chiến” này. Phương thức đấu tranh trên không gian mạng rất đa dạng, phong phú, đề cập nhiều vấn đề trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh… nhằm phản bác sự chống phá của các thế lực thù địch. Vì vậy, phương thức đấu tranh trên không gian mạng cần phải được đổi mới, khắc phục sự trùng lặp, sự dàn trải, nhàm chán làm giảm hiệu quả đấu tranh. Đổi mới phương thức đấu tranh trên không gian mạng thực chất là xác định, lựa chọn hình thức đấu tranh cho phù hợp, cho đúng đắn, khoa học đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn đang đặt ra.

Hàng tháng, đội ngũ cán bộ, giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin rất tích cực, chủ động viết bài đăng đấu tranh trên trang Blog của Học viện với số lượng bài tham gia bình quân 150 bài/tháng. Tuy nhiên, nội dung nhiều bài viết còn đơn điệu mang tính chia sẻ, phương thức đấu tranh chưa đa dạng, phong phú. Để nâng cao chất lượng bài viết, cũng như bảo đảm tính đa dạng đấu tranh trên nhiều lĩnh vực, cấp uỷ, chỉ huy Khoa đã tiến hành sinh hoạt, rút kinh nghiệm và chỉ ra một số mặt cần đổi mới, sáng tạo các hình thức, phương pháp, phương thức đấu tranh cho phù hợp với điều kiện, vị trí giảng viên giảng dạy lý luận Mác - Lênin. Cụ thể thực hiện tốt các phương thức đấu tranh sau đây:

Thứ nhất, tăng cường số lượng các bài viết đấu tranh trên trang blog của Học viện. Giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin là lực lượng đi tiên phong trong công tác tuyên truyền đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Thông qua các các bài viết để khẳng định những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam của cách mạng Việt Nam và tính đúng đắn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta; những thành quả của cách mạng gần 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết để hoàn thành mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Các bài viết phát hiện từ nhiều góc độ, bình diện khác nhau, tránh được sự đơn điệu, trùng lắp và một chiều, kết hợp nhiều thể loại, nhiều hình thức. Các bài viết tham gia đấu tranh phải có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn, phân tích một cách sâu sắc, dù khẳng định hay bác bỏ, dù mềm mại hay đanh thép đều phải có sức thuyết phục. Một trong những điều đáng lưu ý là việc đấu tranh phải tiến hành thường xuyên, không nên quá dồn dập trong cùng một thời điểm rồi lại bị ngắt quãng. Đồng thời, cũng xác định rõ những trọng tâm, trọng điểm để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị đột xuất cũng như kịp thời đấu tranh, phản bác những đợt phản tuyên truyền rộ lên của các thế lực thù địch.

Thứ hai, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp đấu tranh. Giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa hình thức đấu tranh trực tiếp và đấu tranh gián tiếp, trực diện và vu hồi... Trước mỗi vụ việc cụ thể, mỗi sự kiện của Đảng, Nhà nước, các thế lực thù địch thường lợi dụng để chống phá, xuyên tạc, bóp méo, công kính… Vì vậy, chúng ta phản công trở lại, với phương pháp đấu tranh cần linh hoạt, theo tư tưởng nhất quán là: tích cực, chủ động, tỉnh táo, thiên biến vạn hóa, "dĩ bất biến, ứng vạn biến", tránh tư tưởng nôn nóng, cực đoan, phiến diện.

Thứ ba, đổi mới phương thức tuyên truyền trong đấu tranh. Giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin là lực lượng xung kích trong công tác đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, để bảo đảm đấu tranh có hiệu quả cần quan tâm đổi mới phương thức tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền cần phải đa dạng, phong phú trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội; trong đó, cần tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ về âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”; thủ đoạn, phương thức truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Tuyên truyền sâu rộng, có hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách, công cuộc đổi mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền, biểu dương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt theo phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” nhằm tạo luồng dư luận tích cực trong xã hội. Đổi mới phương thức, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, thành tựu của công cuộc đổi mới một cách phong phú, hấp dẫn.

Thứ tư, đổi mới phương thức đấu tranh đòi hỏi phải cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời và đầy đủ. Để đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” có hiệu quả, vấn đề rất quan trọng là phải có thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời và đầy đủ hiện thực bức tranh xã hội Việt Nam. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, một khi nhu cầu thông tin chính thống được đáp ứng, thì nhu cầu tìm đọc các thông tin không chính thống - thông tin sai trái, thù địch sẽ hạn chế đi rất nhiều, ngoại trừ những cá nhân do tò mò hay các lý do khác. Nội dung thông tin phải đa dạng, đa cấp độ, tùy theo đối tượng để cung cấp, phổ biến. Có cả thông tin phổ thông và thông tin có giới hạn, thông tin có độ mật; thông tin về ta và cả thông tin về các thế lực thù địch làm cơ sở cho các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị định hướng, chỉ đạo đấu tranh có hiệu quả, đúng định hướng, có trọng điểm. Vì vậy, giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin phải thường xuyên nắm bắt, cập nhật thông tin trên báo chí, tài liệu… bảo đảm số liệu chính xác, kịp thời để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” hiện nay. Đối với các thông tin về các thế lực thù địch phải rõ đối tượng, rõ địa điểm hoạt động, phương thức đấu tranh, lực lượng, tính chất, mức độ nguy hại, dự kiến các âm mưu, thủ đoạn chống phá của chúng; phân loại đối tượng chống phá để có đối sách, hình thức đấu tranh phù hợp với từng loại đối tượng, từng thời điểm cụ thể, tránh chung chung dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, không hiệu quả.

Thượng tá Trần Đăng Hiệp

Giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin