Những ngày đầu tháng 6 năm 2018, lợi dụng Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, thông qua Luật An ninh mạng, các tổ chức phản động bên ngoài và một số đối tượng chống đối, cơ hội chính trị trong nước, thông qua các trang mạng xã hội, phát tán thông tin xuyên tạc, kêu gọi, kích động người dân biểu tình, gây rối, làm mất an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (ATXH) ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước (tiêu biểu như ở tỉnh Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội). Tuy nhiên, các địa phương đã chủ động nắm và giải quyết, không để tình hình lan rộng, kéo dài và phức tạp thêm. Mặc dù vậy, có địa phương giải quyết chưa kịp thời, còn để vụ việc xảy ra khá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến ANCT, trật tự ATXH (như tỉnh Bình Thuận). Dự báo trong thời gian tới, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước tiếp tục lợi dụng tình hình biểu tình ở Bình Thuận và một số địa phương, coi đây là thắng lợi lớn ban đầu, để khuyếch trương thanh thế, gia tăng tuyên truyền kích động, tạo dư luận xấu trên các trang mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Để chủ động đấu tranh, làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị xã hội, trong thời gian tới các địa phương cần rút kinh nghiệm các vụ biểu tình, gây rối vừa qua và thực hiện tốt một số bài học chủ yếu sau:

Một là, tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu đúng và thực hiện có hiệu quả đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Đây là bài học hết sức quan trọng, làm cho mọi người dân hiểu rõ tính đúng đắn trong đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước là vì nhân dân, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, tạo sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp thực thi có hiệu quả đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong thời gian vừa qua, việc tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã được thực hiện. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, nội dung, phương pháp còn hình thức, chưa đến được với nhiều người dân. Các chủ trương, nhất là những chủ trương mới, cần được nghiên cứu, chuẩn bị kĩ và được tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống chính trị, đoàn thể, mặt trận tổ quốc. Quá trình tuyên truyền, nếu có ý kiến, dư luận trái chiều, cần được các cấp có thẩm quyền tiếp thu, lắng nghe và phản biện công khai để tạo được sự đồng thuận của người dân.

Công tác tuyên truyền cần đổi mới cả về nội dung và hình thức, không chỉ tuyên truyền theo phương pháp truyền thống qua báo, đài, truyền hình, qua các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức quần chúng, tổ chức kinh tế mà cần tuyên truyền và định hướng dư luận trên cả các trang mạng xã hội, trên các thuê bao di động bằng các tin nhắn... để nội dung tuyên truyền đến được với mọi người dân. Bên cạnh đó, nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, súc tích, dễ nghe, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng.

Đồng thời với tuyên truyền về đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cần đổi mới nội dung, hình thức đấu tranh vạch trần các âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch lợi dụng dân chủ, nhân quyền, lợi dụng các trang mạng xã hội... để kích động nhân dân chống lại sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước ta. Trong tuyên truyền cần bám sát cơ sở, bám dân, đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên gắn với những sự kiện quan trọng của đất nước, của địa phương với tuyên truyền khi địa phương có những vụ việc phức tạp. Cần có lực lượng đấu tranh và tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho người dân trên các mạng xã hội để người dân hiểu rõ âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đồng thời, cần có lực lượng chuyên môn có trình độ cao để bóc gỡ các trang mạng xã hội có nội dung xấu, độc, kích động nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Hai là, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, thực sự là công bộc của dân.

Nhà nước ta là nhà nước “của dân, do dân và vì dân”. Tuy nhiên, quá trình xây dựng đất nước, một bộ phận cán bộ đảng viên trong hệ thống chính trị còn tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm... làm giảm lòng tin của một bộ phận nhân dân. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch và bọn phản động trong nước kích động, mua chuộc, lôi kéo nhân dân biểu tình, gây rối ở một số địa phương trong thời gian qua.

Chỉ có xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, thực sự là “của dân, do dân và vì dân” thì mới lấy lại lòng tin của nhân dân, bảo đảm cho dân tin Đảng, tin vào cấp ủy, chính quyền địa phương. Để xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, thực sự là công bộc của dân, cần rút kinh nghiệm nghiêm túc và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phát huy vai trò của nhân dân và mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí trong xây dựng hệ thống chính trị; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích  nhóm”... Trong đó, cần đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực toàn diện và chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ cơ sở, bảo đảm cho họ an tâm và phát huy hết trách nhiệm trong quản lý địa phương, cơ sở. Mặt khác, hệ thống chính trị trong sạch, thực sự là công bộc của dân làm cho nhân dân tin vào Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền thì không một thế lực thù địch nào có thể kích động, mua chuộc, lôi kéo nhân dân chống lại sự nghiệp cách mạng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa của ta.

Ba là, lắng nghe ý kiến của dân, chủ động giải quyết những bức xúc trong nhân dân.

Trong công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập hiện nay, để phát huy mọi nguồn lực xây dựng đất nước thì Đảng, Nhà nước càng cần phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân. Do vậy, trước khi ban hành các chủ trương, chính sách về kinh tế, xã hội của đất nước, cần tạo đồng thuận của đông đảo quần chúng nhân dân. Cần thực hiện đúng quy trình trong ban hành các chủ trương mới, thực hiện trưng cầu, lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, cả trong nước và ở ngoài nước, tiếp thu, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Những ý kiến, dư luận trái chiều trong xã hội cần được các cấp có thẩm quyền tiếp thu, nghiên cứu và phản biện công khai để tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Đây cũng là biện pháp hết sức cần thiết để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Khi chủ trương được nhân dân đồng thuận sẽ là điều kiện để thực thi có hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống, tránh những thiếu sót để các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội, bất mãn tạo cớ kích động, chống đối.

Bốn là, nắm và dự báo chính xác tình hình, chủ động đấu tranh ngăn chặn không để xảy ra phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đây là bài học hết sức quan trọng cho cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, bảo đảm cho cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc đúng, trúng, kịp thời và hiệu quả, không để vụ việc phức tạp, lan rộng, kéo dài, ảnh hưởng đến ANCT, trật tự  ATXH ở địa phương. 

Thực tiễn các vụ biểu tình, gây rối gần đây cho thấy, công tác nắm và dự báo tình hình ở các địa phương, có vụ việc chưa kịp thời, còn tư tưởng chủ quan. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp giữa các lực lượng trong nắm và dự báo tình hình thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao, còn bị động, bất ngờ. Để nắm và dự báo chính xác tình hình, trong thời gian tới, cần phát huy vai trò của lực lượng trinh sát, tình báo của Công an, Quân đội, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng... Đồng thời, phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, phát huy tai mắt của nhân dân trong nắm và cung cấp tình hình. Sử dụng hiệu quả các phương tiện nghe, nhìn, nhất là hệ thống camera an ninh, các phương tiện bay (fly cam) để quan sát nắm tình hình; sử dụng sim A2 để bảo đảm thông tin liên lạc cho lãnh đạo chỉ huy và hiệp đồng giữa các lực lượng...

Trên cơ sở các nguồn thông tin được cung cấp, cơ quan công an, quân đội, bộ đội biên phòng cùng các ban, ngành, đoàn thể, bằng nghiệp vụ chuyên môn, phân tích, đánh giá, nhận định và dự báo tình hình một cách khách quan, khoa học để làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đưa ra những chủ trương và giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, chính xác. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, bóc gỡ tổ chức, xử lý những tên chủ mưu, cầm đầu chống phá ta. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các cơ quan thực thi pháp luật và quần chúng nhân dân để chủ động phát hiện, đấu tranh với các tổ chức, cá nhân có hành vi đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, chống Đảng, Nhà nước ta. Chủ động đấu tranh ngăn chặn từ xa, bằng nhiều hình thức và biện pháp phong phú, nhất là đấu tranh trên các trang mạng xã hội, cắt hệ thống thông tin liên lạc, không cho phép quay phim, chụp ảnh các khu vực phức tạp, cấm dùng phương tiện bay (fly cam ) để quy phim, chụp ảnh, mang theo chất nổ...

Năm là, xây dựng và luyện tập các phương án, sẵn sàng đối phó với các tình huống xảy ra.

Thông qua các vụ gây mất ANCT, trật tự ATXH ở một số địa phương vừa qua cho thấy, các địa phương chưa chú trọng xây dựng và luyện tập phương án phòng chống biểu tình, gây rối, bạo loạn; sự phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong triển khai thực hiện phương án còn lỏng lẻo, khi tình huống xảy ra, xử lý còn lúng túng, bị động trong phân công sử dụng lực lượng và công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng. Vì vậy, đây là bài học quan trọng nhằm chuẩn bị các phương án, sẵn sàng đối phó với các tình huống xảy ra. 

Quá trình xây dựng phương án, căn cứ vào âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tình hình địa bàn, tình hình nhân dân để cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công an, quân đội, biên phòng, các ban, ngành, đoàn thể xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng và phương tiện, vật chất hậu cần, kỹ thuật để thực hiện phương án. Chăm lo xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt, trước hết là mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm ANCT, trật tự ATXH. Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cho các lực lượng; tổ chức luyện tập hoặc kết hợp với diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố để bổ sung, điểu chỉnh phương án...

Sáu là, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, các địa phương trong nắm tình hình và giải quyết các tình huống.

Phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng, các địa phương trong nắm tình hình và giải quyết các tình huống xảy ra là bài học rất quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để giữ vững ANCT, trật tự ATXH tại địa phương, cơ sở.

Thực tiễn vụ mất ANCT, trật tự ATXH ở tỉnh Bình Thuận trong những ngày đầu tháng 7 năm 2018 cho thấy, công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong khu vực phòng thủ, phối hợp, hiệp đồng với các địa phương bạn và lực lượng của cấp trên chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Để công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng, các địa phương trong nắm và giải quyết các tình huống được chặt chẽ, cần tiếp tục hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong khu vực phòng thủ, nhất là giữa quân đội và công an; giữa địa phương với các đơn vị chủ lực của Bộ đứng chân trên địa bàn và với địa phương bạn. Cần quy trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu các địa phương từ tỉnh, huyện, xã trong bảo đảm ANCT, trật tự ATXH. Mặt khác, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể phải thường xuyên trao đổi về tình hình, dự báo chính xác các tình huống và dự kiến phương án xử trí, bảo đảm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và nhân dân trong tham gia giữ gìn ANCT, trật tự, ATXH... Phát huy vai trò chủ trì làm tham mưu của cơ quan công an, song cũng cần phát huy vai trò tích cực, chủ động phối hợp, hiệp đồng của quân đội, biên phòng, các ban, ngành, đoàn thể địa phương và nhân dân, chỉ như vậy chúng ta mới xử trí có hiệu quả các tình huống xảy ra.

Bảy là, xử lý nghiêm những đối tượng cầm đầu, quá khích, nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định tình hình nhân dân.

Đây là bài học hết sức quan trọng nhằm thực thi sự nghiêm minh của pháp luật, nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định tình hình nhân dân không để kẻ địch lợi dụng tiếp tục chống phá.

Sau khi giải quyết vụ việc, trên cơ sở chức nhiệm vụ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tiến hành điều tra, củng cố chứng cứ, đưa ra xét xử các đối tượng cầm đầu, phản động, cơ hội chính trị, các phần tử bất mãn, bảo đảm đúng người, đúng tội. Những quần chúng nhân dân bị kẻ xấu lợi dụng thì tùy theo mức độ nặng nhẹ có thể tuyên truyền, giáo dục, phạt vi phạm hành chính hoặc đưa ra tòa cho hưởng án treo... Địa bàn xảy ra vụ việc cần nhanh chóng khắc phục hậu quả, duy trì các hoạt động xã hội bình thường; tuyên truyền vận động ổn định tình hình nhân dân; các lực lượng chức năng tiếp tục nắm tình hình đề phòng các đối tượng tiếp tục nén nút hoạt động.

Trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ngày một tinh vi, sảo quyệt, những bài học để giữ vững ANCT, trật tự, ATXH nêu trên cần được các địa phương tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và vận dụng vào thực tế cho phù hợp. Chỉ có như vậy dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền mới phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng giải quyết kịp thời các tình hình phức tạp xảy ra trên địa bàn, giữ vững ANCT, trật tự ATXH ở địa phương, cơ sở.

Đại tá, TS Nguyễn Thế Mau

                                             Phó Chủ nhiệm Khoa QSĐP/Học viện Quốc phòng