Không gian mạng (KGM) ngày nay đã trở thành một thứ công cụ sản xuất, tư liệu lao động vô cùng tiện ích của xã hội loài người. Tuy nhiên, một số đối tượng lại sử dụng công cụ này vào những mục đích xấu. Không chỉ ở riêng một quốc gia nào mà trên phạm vi toàn thế giới, các hành vi sử dụng KGM vào các mục đích phi pháp ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, các hoạt động lợi dụng KGM để đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”; xâm phạm an ninh Quốc gia, đơn phương tiến công phá hoại về kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa; đánh cắp thông tin bí mật nhà nước, bí mật quân sự đã trở nên phổ biến, đòi hỏi công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trên KGM phải có những thay đổi căn bản để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phòng, chống vi phạm pháp luật trên KGM là tổng thể các cách thức, biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an toàn cho các hoạt động hợp pháp trên KGM, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Phòng, chống vi phạm pháp luật trên KGM vừa hướng đến làm thất bại các hành vi xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên không gian mạng vừa bao hàm cả phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ đe dọa, mối đe dọa, không để hình thành hành vi trên thực tế.

Phòng, chống vi phạm pháp luật trên KGM bao gồm nhiều nội dung khác nhau, như: Hoạt động phòng ngừa, là hoạt động nhằm triệt tiêu những nguyên nhân, hạn chế những điều kiện phát sinh, phát triển các hành vi vi phạm pháp luật và các đối phương thực hiện các hành vi đó. Hoạt động phòng ngừa diễn ra thường xuyên, liên tục, phát hiện là tìm kiếm, điều tra, nghiên cứu, phân tích, đánh giá nhằm xác định đầy đủ, chính xác, toàn diện âm mưu, phương thức, thủ đoạn, hành vi, đối tượng, địa bàn hoạt động diễn ra vi phạm pháp luật; Hoạt động phát hiện, là hoạt động được tiến hành thông qua các biện pháp công khai hoặc bí mật, ngăn chặn là các hoạt động không để hành vi vi phạm pháp luật tiếp diễn trên thực tế, khắc phục nhanh chóng hậu quả; Hoạt động ngăn chặn, hoạt động này đòi hỏi phải tiến hành ngay khi phát hiện hành vi; Hoạt động đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, là các hoạt động mang tính nghiệp vụ nhằm làm thất bại âm mưu, hoạt động vi phạm pháp luật và đưa chúng ra xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đây là khâu cuối cùng trong tổng thể công tác, quyết định sự thành bại trong bảo vệ KGM quốc gia an toàn, lành mạnh, rộng khắp.

Vấn đề phòng, chống tội phạm trên KGM luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm sâu sắc. Tuy nhiên, do những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đặc biệt là âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và tội phạm, KGM quốc gia xuất hiện những mối đe dọa mới, đặt ra yêu cầu mới cho công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trên KGM. Để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống vi phạm pháp luật trên KGM trong tình hình hiện nay, cần tiến hành những vấn đề cơ bản sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, đoàn thể quần chúng. Triển khai thực hiện tốt những đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực thông tin; Tập trung triển khai có hiệu quả các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, trọng tâm là Nghị quyết số 52-NQ/TƯ, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị về Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, các chủ trương về bảo vệ Tổ quốc trên KGM, bảo vệ an ninh mạng quốc gia nhằm nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ cũng như năng lực bảo đảm an ninh mạng, phòng, chống chiến tranh mạng. Xây dựng tiềm lực quốc gia về an ninh mạng đủ mạnh, có cơ chế huy động, khai thác tối đa sức mạnh tổng hợp để đối phó với các mối đe dọa trên KGM.

Hai là, hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và an ninh mạng. Tổ chức thực hiện nghiêm Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ viễn thông, Internet ở Việt Nam. Tham mưu cho Chính phủ xây dựng, ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tham khảo chính sách, pháp luật về an ninh mạng của các nước; đồng thời, nghiên cứu, rà soát, phát hiện những bất cập trong chính sách, pháp luật của nước ta, những vấn đề mới đang đặt ra trong thực tiễn chưa được điều chỉnh bằng chính sách, pháp luật để tham mưu, đề xuất ban hành các chính sách, pháp luật về quản lý tiền ảo, tài sản ảo, chứng cứ điện tử, các rô-bốt trang bị trí tuệ nhân tạo...

Ba là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, luật về an toàn, an ninh trên KGM nói riêng để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho toàn xã hội. Nâng cao nhận thức, ý thức của quần chúng nhân dân trong bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng, phòng chống vi phạm pháp luật trên KGM; kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật; không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận các thông tin không chính thống. Tăng cường hoạt động của các lực lượng đấu tranh bảo vệ nền tảng chính trị của Đảng trên KGM.

Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển công nghệ thông tin, nhằm tự chủ về công nghệ và trang thiết bị, không để bị lệ thuộc vào nước ngoài. Có lộ trình phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin và an ninh mạng, trong đó, lựa chọn các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh để ưu tiên phát triển. Hoàn thiện các chính sách nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và an ninh mạng. Nghiên cứu các mô hình đổi mới, sáng tạo có hiệu quả trên thế giới để vận dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ bảo đảm an ninh mạng. Chủ động và cẩn trọng trong sản xuất, mua bán, sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, hạn chế tối đa phụ thuộc vào nước ngoài để ngăn chặn nguy cơ đe dọa tiềm tàng đối với an ninh mạng và an ninh quốc gia.

Năm là, chú trọng đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, an ninh mạng làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam, không để tình trạng chảy máu chất xám về công nghệ thông tin. Nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin và an ninh mạng tại các cơ sở đào tạo trong nước, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, các trường đại học, các tập đoàn công nghệ tiên tiến trên thế giới để tiếp thu công nghệ mới và kinh nghiệm bảo đảm an ninh mạng nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Chủ động ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về an ninh mạng, phòng, chống tội phạm mạng.

Sáu là, quan tâm xây dựng lực lượng chuyên trách về an ninh mạng và chống tội phạm công nghệ cao để phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh xử lý kịp thời các hành vi phạm tội. Nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng tác chiến KGM trong Quân đội. Hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ Internet, mạng xã hội để chủ động phát hiện, cảnh báo, bóc gỡ những thông tin xấu độc trên Internet và mạng xã hội. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương trong phát hiện, giải quyết, khắc phục các hành vi vi phi pháp luật trên không gian mạng. Phân cấp, phân quyền cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, xây dựng các phương án, kế hoạch ứng phó với các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Xác định trách nhiệm, tổ chức, cá nhân, người đứng đầu khi cơ quan, đơn vị mình có hiện tượng vi phạm pháp luật trên KGM.  

Theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, KGM Việt Nam cần được mở rộng, xây dựng, phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, rộng khắp. Việt Nam đã có những đạo luật để kiểm soát hiện tượng vi phạm pháp luật trên KGM, song, những thế lực thù địch luôn có những thủ đoạn ngày càng tinh vi, đòi hỏi sự phát triển không ngừng về chuyên môn của các cơ quan chức năng có liên quan. Bên cạnh đó, là một công dân trong kỷ nguyên số, mỗi người dân Việt Nam cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia vào KGM, cần trang bị cho mình những kiến thức căn bản về luật pháp của Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam để không vô tình hoặc bị lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật trên KGM.

Đại tá, ThS Nguyễn Thị Hồng Quyên

                                                            Giảng viên, Khoa Chỉ huy - Tham mưu/HVQP