Hiện nay, có quan điểm cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã trở nên lỗi thời và lạc hậu, ở Việt Nam chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ. Đây là một luận điểm hoàn toàn sai trái, xuyên tạc bản chất, nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh, mục đích là nhằm xóa bỏ mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh, tiến tới hạ thấp vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh ra đời trên cơ sở nguồn gốc tư tưởng lý luận và thực tiễn. Nguồn gốc tư tưởng lý luận bao gồm 3 yếu tố cơ bản: lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong đó lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin giữ vai trò quyết định tới việc hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống lý luận thống nhất được hình thành từ ba bộ phận: triết học Mác - Lênin, kinh tế chính trị Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học, là học thuyết duy nhất nêu lên mục tiêu, con đường, lực lượng và phương pháp thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người; là sự thống nhất hữu cơ giữa thế giới quan và phương pháp luận; là một học thuyết mở, không cứng nhắc, không bất biến và không ngừng đổi mới trong dòng trí tuệ của nhân loại. Với bản chất cách mạng và khoa học, từ khi ra đời đến nay chủ nghĩa Mác - Lênin đã trở thành nền tảng và kim chỉ nam cho giai cấp vô sản và những người cộng sản trên thế giới. Đối với cách mạng Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Trên hành trình ra đi tìm đường cứu nước, tháng 7 năm 1920, Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Bằng nhãn quan chính trị sắc bén, Người đã nhận ra đây là con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Tiếp thu thế giới quan, phương pháp luận cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, bằng thiên tài trí tuệ, nhận thức đúng xu thế phát triển tất yếu của loài người và tính chất của thời đại mới, Người đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”

Như vậy, trên nền tảng chủ nghĩa yêu nước và giá trị truyền thống Việt Nam, từ tinh hoa triết học và giá trị văn hóa Đông - Tây, Hồ Chí Minh đã tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin không phải theo lối giáo điều, dập khuôn mà là sự chắt lọc và hòa quyện những tinh hoa của chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin theo phương pháp “đắc ý, vong ngôn”, nghĩa là nắm lấy cái thần, cái cốt lõi, cái bản chất nhất của vấn đề. Trên cơ sở đó, vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt nam, từ đó mới đề ra được đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Đối với Người, chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở thế giới quan, phương pháp luận khoa học để giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Người không bao giờ xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, Người luôn xem chủ nghĩa Mác - Lênin là cẩm nang thần kỳ, là ngọn đèn soi sáng, đồng thời với đó là kiên quyết chống chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại.

Như vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin là một nguồn gốc - nguồn gốc chủ yếu nhất, quyết định đến việc hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, là một bộ phận hữu cơ, nền tảng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Không thể đặt tư tưởng Hồ Chí Minh ra ngoài hệ tư tưởng Mác - Lênin, hay nói cách khác, không thể tách tư tưởng Hồ Chí Minh khỏi nền tảng của nó là chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong nhận thức cũng như hành động không thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam, từ đó đưa ra lập luận sai trái rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã trở nên lỗi thời và lạc hậu, rằng ở Việt Nam chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ không cần chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là một luận điểm hoàn toàn sai trái, xuyên tạc bản chất, nguồn gốc, mục đích là nhằm xóa bỏ mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh, tiến tới hạ thấp vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đại hội VII (6/1991), Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta”; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được thông qua tại Đại hội VII cũng khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011), được thông qua tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 1/2011) một lần nữa khẳng định điều này. Đó là kết luận rút ra từ kết quả tổng kết sâu sắc thực tiễn lịch sử của Đảng ta và cách mạng Việt Nam từ khi thành lập đến nay.

Như vậy, chúng ta có thể khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh nằm trong hệ tư tưởng của Mác - Lênin, bắt nguồn chủ yếu từ chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng không hoàn toàn đồng nhất với chủ nghĩa Mác - Lênin, mà là sự tổng hòa, sự kết hợp giữa tinh hoa văn hóa truyền thống Việt Nam, tinh hoa văn hóa nhân loại phương Đông, phương Tây, đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin. Do đó, không thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh chính là chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam.

Đại tá, Nguyễn Đình Năng

CNBM tư tưởng Hồ Chí Minh, Khoa Mác - Lênin

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tập 1, tr.IX