Nêu gương không chỉ bằng lời nói suông mà phải là người kiểu mẫu trong mọi công việc. Nhân cách của mỗi cá nhân, đặc biệt là của cán bộ, đảng viên cấp chiến dịch, chiến lược phải được kiểm nghiệm và chứng minh bằng thực tiễn hoạt động của họ. Sinh thời, khi nói về nêu gương, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên là: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”1. Người còn nhấn mạnh: “Cán bộ, đảng viên phải làm gương cho nhân dân, cán bộ cấp trên phải làm gương cho cấp dưới”2.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ chiến dịch, chiến lược nói tiêng là nhân tố cơ bản, cốt lõi nhất của các tổ chức đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị -xã hội; có vai trò rất quan trọng không chỉ quyết định năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị mà còn quyết định đến việc tổ chức, tập hợp, dẫn dắt các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để thực hiện tốt vai trò đó, cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu trong lời nói và việc làm, nói phải đi đôi với những việc làm thiết thực cụ thể, luôn nêu cao trách nhiệm nêu gương, coi nêu gương là bổn phận, nghĩa vụ phải thực hiện để quần chúng noi theo. Bởi vì: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”3.

Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, định hướng của Đảng về nêu gương và trách nhiệm nêu gương, thời gian qua, đại đa số đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược trong quân đội đã làm tốt trách nhiệm nêu gương, để lại dấu ấn, sự lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tự giác, hăng hái, tận tụy với công việc, thực sự là những tấm gương sáng về lời nói và hành động. Qua đó, góp phần không nhỏ vào xây dựng đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ quân đội.

Tuy nhiên, do tác động của tình hình thế giới, khu vực, trong nước và mặt trái của kinh tế thị trường, những tiêu cực xã hội, làm cho một số cán bộ, đảng viên trong đó có cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược chưa thật sự nêu gương, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm trong công việc, vi phạm Pháp luật, kỷ luật, gây ra những tác động tiêu cực, làm giảm sút uy tín của Đảng, của Quân đội đối với nhân dân.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội hiện nay, đòi hỏi đội ngũ cán bộ chiến dịch, chiến lược phải có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phát huy trách nhiệm nêu gương để tạo niềm tin và là tấm gương cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân noi theo, cần tập trung làm tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là,  nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp chiến lược về trách nhiệm nêu gương.

Đây vừa là yêu cầu, vừa là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên đối với Đ ảng, với nhân dân và chính bản thân mình. Để nhận thức đúng, đầy đủ về trách nhiệm nêu gương, mỗi cán bộ, đảng viên mà trước hết là cán bộ chiến dịch, chiến lược phải nghiêm túc học tập và quán triệt đầy đủ nội dung trong các quy định của Đảng về nêu gương như Quy định số 47-QĐ/TƯ về Những điều đảng viên không được làm; Quy định sô 101-QĐ/TƯ về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TƯ về Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TƯ về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và các quy định của Quân ủy Trung ương về nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội. Mỗi cá nhân phải xác định nêu gương vừa là đạo lý, vừa là trách nhiệm, nhiệm vụ thường xuyên, phải được thể hiện trong cuộc sống, trong công tác. Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị, trách nhiệm nêu gương càng phải được đề cao và phải được thực hiện nghiêm túc. Phải xác định trách nhiệm thực hiện các nội dung nêu gương trên tất cả các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, thực hiện tự phê bình và phê bình, mối quan hệ với nhân dân, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật và giữ gìn đoàn kết nội bộ. Chức vụ càng cao càng phải mẫu mực trên các mặt, nói phải đi đôi với làm theo phương châm: “Trên làm gương mẫu mực, để cho "dưới tích cực làm theo”4.

Hai là, luôn nêu gương về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

Đây là giải pháp, đồng thời cũng là trách nhiệm hết sức quan trọng của cán bộ chiến dịch, chiến lược nhằm không ngừng hoàn thiện và phát triển nhân cách. Bởi vì, tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống là phẩm chất cơ bản nhất, không những giữ vai trò chủ đạo mà còn là cơ sở, nền tảng để cán bộ chiến dịch, chiến lược làm tốt công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ Quốc phòng. Do đó, mỗi cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Tuyệt đối trung thành vô hạn với lợi ích quốc gia, dân tộc. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đổi mới của đất nước. Tự giác, gương mẫu và nâng cao trách nhiệm trong quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nêu gương về bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm; phải là nhà tư tưởng, nhà chính trị có “tâm, tầm, trí” trong đấu tranh trên mặt trận tư tưởng tư tưởng của Đảng. Có thái độ nghiêm túc trong công việc, giữ vững nguyên tắc tập trung, dân chủ trong lãnh đạo, chỉ huy. Nhận thức sâu sắc tình hình, nhạy bén về chính trị, có năng lực dự báo từ sớm, từ xa, sáng tạo trong xử lý tình huống. Đề cao ý thức, tổ chức kỷ luật, gương mẫu trong quán triệt và thực hiện nghiêm Quy định của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, Quy định số 646-QyĐ/QUTƯ ngày 06-11-2012 của Quân ủy Trung ương quy định về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Quân đội. Đạo đức trong sáng, lối sống trung thực giản dị, khiêm tốn; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tâm huyết và hết lòng với công việc. Chủ động, tự giác, nghiêm túc nhận khuyết điểm và có kế hoạch sửa chữa, phán đấu tiến bộ. Luôn là tấm gương về đoàn kết nội bộ, gắn bó với cấp dưới, tạo được uy tín, niềm tin đối với cán bộ, chiến sỹ và quần chúng nhân dân.

Ba là, luôn nêu gương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

 Mỗi cán bộ chiến dịch, chiến lược trong Quân đội phải tự bản thân mình nhận thức rõ Nêu gương là công cụ lãnh đạo chứ không phải là một hình thức hay phương pháp có tính chất tình huống trong lãnh đạo mà nêu gương là người lãnh đạo dùng tài và đức của bản thân để lãnh đạo, gây ảnh hưởng tích cực đối với đối tượng quản lý. Để thể hiện vai trò là người lãnh đạo thì cán bộ chiến dịch, chiến lược phải luôn đi trước với tinh thần Đảng viên đi trước, làng nước đi sau. Tức là người cán bộ chiến dịch, chiến lược phải đem những phẩm chất mẫu, giá trị mẫu từ lời nói và hành vi của mình để thực hiện vai trò dẫn dắt, thuyết phục, thúc đẩy, khai mở tâm - trí và đoàn kết đảng viên, quần chúng, các tổ chức trong đơn vị. Trong làm việc, phải phát huy và giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Luôn bàn bạc, thống nhất trong cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám dũng cảm đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong đơn vị. Giữ vững tư thế, tác phong lãnh đạo, chỉ huy; làm việc theo đúng chức trách, nhiệm vụ, không tranh công, đổ lỗi, bao biện, làm thay. Thực tế, ở một số cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy chưa thật sự nêu gương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, có lúc buông lỏng quản lý, lãnh đạo, đùn đẩy trách nhiệm, phương pháp, tác phong làm việc thiếu tính khoa học, chưa kết hợp giữa óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm, chưa lấy phương châm hành động của Đảng đảng viên đi trước, làng nước theo sau, chưa thấm nhuần phương thức Đảng lãnh đạo bằng sự nêu gương của người cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy. Vì vậy, phải quán triệt và thuấn nhuần Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Bốn là, thường xuyên nêu cao tự phê bình và phê bình trong phát huy vai trò nêu gương.

Tự phê bình và phê bình là vấn đề có tính quy luật trong xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, tiếp tục khẳng định giải pháp hàng đầu là  nêu gương tự phê bình và phê bình của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp.

Như vậy, tự phê bình và phê bình được coi là vũ khí, chìa khóa thành công, là sự đột phá của khâu đột phá, là một trong những khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và xây dựng cán bộ. Cho nên, cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược, người đứng đầu cần phải gương mẫu nêu gương trong tự phê và phê bình, tự soi, tự sửa để cấp dưới và Nhân dân học tập. Nêu gương tự phê bình thẳng thắn, nghiêm túc trước tập thể những ưu, khuyết điểm của bản thân nhằm phát huy ưu điểm và sửa chữa khuyết điểm là việc làm thường xuyên và nguyên tắc sinh hoạt Đảng, từ đó ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.

Trong tự phê bình và phê bình phải thực sự cầu thị, tự giác, chân thành, khách quan; khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa. Chính vì vậy, để thực sự nêu gương tự phê bình và phê bình, đòi hỏi mỗi tổ chức cũng như mỗi cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ cấp cao, chủ chốt, đứng đầu cần tự giác, trung thực, tự phê bình thật nghiêm túc, khách quan có lý có tình, mang tính xây dựng. Tập trung kiểm điểm về trách nhiệm đối với công việc và nhiệm vụ của đơn vị; về phẩm chất cá nhân của mình trên tất cả các mặt từ nhận thức, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đến quan hệ với quần chúng... Thấy rõ ưu điểm để phát huy, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa; đồng thời, coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng đội, phải thực hiện phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; khi có bệnh thì phải kiên quyết trị bệnh cứu người, không được có tư tưởng dễ dãi, bao che, hoặc tranh công, đổ tội. Và chỉ có nêu gương tự phê bình và phê bình mới có thể củng cố lòng tin, tinh thần đoàn kết trong tổ chức, tập hợp lực lượng thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

 Thực tế cho thấy, ở bất kỳ nơi nào, cán bộ, lãnh đạo, người chỉ huy  gương mẫu, tiên phong, trung thực, thẳng thắn, luôn nêu cao tự phê bình và phê bình thì ở đó tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Ngược lại nơi nào, lãnh đạo, người chỉ huy không gương mẫu tự phê bình và phê bình thì tổ chức đảng ở đó mất sức chiến đấu, thậm chí tê liệt. Như vậy, chỉ có gương mẫu nêu gương tự phê bình và phê bình của cán bộ, mới làm cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng mạnh lên, dân chủ được phát huy, hiệu quả công việc tốt hơn, niềm tin của Nhân dân với Đảng ngày càng được củng cố vững chắc hơn.

Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương là việc làm cần thiết, có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao và củng cố uy tín, vị thế, phương pháp, tác phong của người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến dịch, chiến lược trong Quân đội hiện nay. Qua đó, không ngừng giáo dục, rèn luyện phẩm chất, năng lực nhận thức và hành động cho mọi cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

 

Đại tá, ThS BÙI XUÂN HÀO

Giảng viên khoa CTĐ,CTCT/HVQP