Ngày 10-4 được coi là dấu mốc lịch sử của nền công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, khi Ankara chính thức đưa vào vận hành tàu tấn công đổ bộ đa năng TCG Anadolu, cũng là một loại tàu sân bay đầu tiên trên thế giới chuyên dụng cho cả máy bay có người lái và máy bay không người lái (UAV). Sự kiện trên đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới sở hữu tàu sân bay được chế tạo trong nước.

Được coi như “soái hạm” của Thổ Nhĩ Kỳ, TCG Anadolu là biểu tượng đại diện cho “Kỷ nguyên của Thổ Nhĩ Kỳ”, tờ Daily Sabah dẫn lời phát biểu của Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan tại lễ bàn giao ở Istanbul.

TCG Anadolu có chiều dài 231m, rộng 32m, lượng giãn nước 27.436 tấn. Tàu có thể đạt tốc độ tối đa 21 hải lý (xấp xỉ 39km) mỗi giờ, tầm hoạt động 9.000 hải lý (khoảng 17.000km) và có thể hoạt động trên biển trong suốt 50 ngày. Theo báo cáo được công bố, tỷ lệ nội địa hóa trong quá trình chế tạo TCG Anadolu đạt tới 70%.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tham dự lễ bàn giao TCG Anadolu tại Istanbul ngày 10-4

Ban đầu, TCG Anadolu được dự định vận hành như một tàu tấn công đổ bộ với một phi đội máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu cất cánh ngắn, hạ cánh thẳng đứng, chẳng hạn như biến thể máy bay chiến đấu đa năng tàng hình F-35B của Lockheed Martin.

Tuy nhiên, sau khi Mỹ đưa ra lệnh cấm bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm trả đũa việc nước này mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga vào năm 2019, Ankara đã buộc phải xem xét lại các kế hoạch phát triển và thực hiện những điều chỉnh bổ sung để biến TCG Anadolu thành tàu sân bay chứa trực thăng và UAV, cũng như cả máy bay chiến đấu không người lái (UCAV).

Vốn nổi tiếng với sản phẩm Bayraktar TB2 đang “làm mưa làm gió” trên thị trường toàn cầu, lần này, Ankara quyết định trang bị cho TCG Anadolu loại UAV mới là Bayraktar TB3-một phiên bản của Bayraktar TB2 có khả năng chạy đường băng ngắn.

Cả hai loại UAV này đều do Tập đoàn Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. So với các loại UAV hiện có, Bayraktar TB3 có khả năng điều khiển tầm xa vượt trội, cho phép nó tiến hành trinh sát, giám sát, thu thập thông tin tình báo và tấn công các mục tiêu ở nước ngoài. Bayraktar TB3 dự kiến được trưng bày và xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên tại Lễ hội Công nghệ và Hàng không vũ trụ Teknofest của Thổ Nhĩ Kỳ khai mạc vào cuối tháng này.

Một trong những nền tảng mang tính bước ngoặt khác của Baykar là loại UCAV có tên gọi Kızılelma cũng được trang bị cho TCG Anadolu. Kızılelma có động cơ phản lực, với các đặc điểm tương tự máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và có khả năng thực hiện các cuộc giao tranh trên không. Theo nhà sản xuất, Kızılelma được chế tạo dựa trên nền tảng cơ động tự hành song song với hệ thống điều khiển sẵn có và có thể mang theo tên lửa không đối không, làm gia tăng ưu thế trong chiến đấu.

Bên cạnh các loại UAV và UCAV, tàu sân bay TCG Anadolu còn được trang bị máy bay trực thăng T129 Atak (sản xuất trong nước), trực thăng tấn công AH-1W Super Cobra và trực thăng đa dụng SH-70B. TCG Anadolu có năng lực vận chuyển “khủng”, với 12 máy bay có người lái và UAV, 21 trực thăng các loại, cùng hàng chục xe tăng, xe bọc thép... Mục đích vận hành thì rất đa dạng, từ tấn công đổ bộ đến thực hiện các nhiệm vụ phi quân sự như: Viện trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ y tế, hỗ trợ thiên tai...

Với việc chính thức vận hành soái hạm TCG Anadolu, năng lực quốc phòng của Ankara đã gia tăng đáng kể. Song song với đó, ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ những năm gần đây chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ.

Xuất khẩu quốc phòng của nước này đạt kỷ lục hơn 4,4 tỷ USD vào năm 2022, so với con số gần 250 triệu USD vào 20 năm trước, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã có một chiến lược xoay chuyển khá thành công, đưa nước này từ một nước nhập khẩu vũ khí là chủ yếu, nay trở thành một “ngôi sao đang lên” trong số các quốc gia xuất khẩu quốc phòng tốp đầu thế giới.

Theo qdnd.vn