Đồng thời với các tư tưởng, quan điểm phê phán Học thuyết Mác- Lênin, trên thế giới đã có nhiều tư tưởng, quan điểm, trong đó có cả các học giả, nhà chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự của giai cấp tư sản đã bảo vệ, khẳng định giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay.

Giăccơ Đêrriđa - nhà triết học người Pháp, một trong những nhà triết học phương Tây nổi tiếng thế giới ở thế kỷ XX, viết cuốn Những bóng ma của Mác nhằm khẳng định nhưng giá trị không thể phủ nhận của chủ nghĩa Mác đối với sự phát triển của lịch sử nhân loại. Giăccơ Đêrriđa cho rằng: Tất cả mọi người trên toàn trái đất này, dù họ muốn, họ biết hay là không, đều là những người kế thừa của Mác và chủ nghĩa Mác với một mức độ nhất định. Luôn luôn sẽ là một sai lầm, nếu nhân loại không đọc đi đọc lại và tranh luận những tác phẩm của Mác... Đó sẽ càng ngày càng là một sai lầm, một sự thiếu trách nhiệm về mặt lý luận, triết học và chính trị... Sẽ không có tương lai khi không có trách nhiệm đó. Không có tương lai nếu không có C.Mác; không có tương lai mà lại không có Mác. Nếu không có ký ức về Mác và không có di sản của Mác sẽ không có tương lai.

Michel Vade - nhà triết học (thành viên của Trung tâm nghiên cứu và tư liệu về Hêghen và Mác thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp) đã nhận định rằng: Tư tưởng của Mác đã được biết đến nhiều, nó đã cắm sâu vào thế giới của chúng ta đã, đang và sẽ sống.

Douglas Kellner - học giả Mỹ, đã chia chủ nghĩa Mác thành 3 tầng bậc khác nhau và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển.

Thứ nhất là phương pháp (ví dụ như phép biện chứng, phương pháp phân tích lịch sử, phương pháp phân tích giai cấp,...), những phương pháp này chiếm địa vị cao nhất, cũng là quan trọng nhất trong chủ nghĩa Mác.

Thứ hai là những nguyên lý và quan điểm cơ bản trong lý luận của chủ nghĩa Mác (ví dụ lý luận sản xuất vật chất, lý luận giá trị thặng dư...) - những lý luận này đặc biệt quan trọng, về mặt giá trị chỉ thua kém phương pháp.

Thứ ba là một số lý luận và khái niệm cụ thể (ví dụ lý luận chủ thể cách mạng, khái niệm giai cấp vô sản, khái niệm cách mạng,...), những khái niệm này phát triển không ngừng tùy thuộc bối cảnh thời đại và những điều kiện kinh tế xã hội cụ thể.

Fredrie Jamoson trong cuốn sách “Hệ tư tưởng của học thuyết”, xuất bản năm 2008 (Luân Đôn) đã khẳng định “Chủ nghĩa Mác dứt khoát đúng”.

T. Eagleton Giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Lan-ca-xtơ (Anh) trong cuốn sách “Tại sao Mác đúng?” khẳng định cách tiếp cận của Mác là cách xem xét tốt nhất đối với chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa Mác, từ bao lâu nay vẫn là sự phê phán phong phú nhất về mặt lý luận, không khoan nhượng nhất về mặt chính trị đối với hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa. Mác là người đầu tiên nhận biết được đối tượng lịch sử được biết đến là chủ nghĩa tư bản, chứng minh nó xuất hiện, hoạt động theo quy luật nào và có thể đi đến chỗ kết thúc ra sao. Có sự phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin là do sự non kém về lý luận, cách nhìn phiến diện, chụp mũ, lấy một vài hiện tượng, mô hình trong thực tiễn không đúng với học thuyết của Mác - Ăng ghen để đổ lỗi cho Mác sai.

Thông qua phân tích 10 vấn đề mà các học giả phương tây phê phán phổ biến nhất đối với Mác, Ăng ghen và Chủ nghĩa Mác - Lênin, T. Eagleton đã đi đến khẳng định sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Vấn đề thứ nhất: “Chủ nghĩa Mác đã kết thúc, nó được coi là phù hợp trong thế kỷ XIX, không ăn nhập gì với xã hội phương Tây hậu hiện đại ngày càng không còn giai cấp và dễ dàng biến đổi về mặt xã hội như ngày nay…”.

Phản bác lại luận điểm “Hệ thống tư bản chủ nghĩa đã thay đổi nhiều đến mức không còn nhận biết được nữa so với thời của Mác, và do đó những tư tưởng của Mác không còn phù hợp nữa”, T. Eagleton đã chỉ ra rằng bản thân C.Mác luôn ý thức được bản chất không ngừng vận động của cái hệ thống mà Ông phản bác. Chính nhờ C. Mác mà loài người có được những khái niệm về các hình thái lịch sử khác nhau đã song hành hoặc kế tục nhau tồn tại của tư bản: tư bản thương mại, tư bản nông nghiệp, tư bản công nghiệp, tư bản độc quyền, tư bản tài chính… 

T. Eagleton cho rằng, nguyên nhân gây mất niềm tin vào chủ nghĩa Mác chính là sự cảm nhận dần dần về căn bệnh bất lực chính trị từ phía những người theo chủ nghĩa Mác chứ không phải từ bản thân hệ thống tư bản chủ nghĩa. Từ đó, T. Eagleton khẳng định rằng chủ nghĩa Mác là sự phê phán sâu sắc, toàn diện và khắt khe nhất từ trước đến nay đối với chủ nghĩa tư bản. Chừng nào chủ nghĩa tư bản còn tồn tại thì chủ nghĩa Mác cũng sẽ tồn tại. 

Vấn đề thứ hai: “Chủ nghĩa Mác có thể rất đúng đắn về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn thì kết quả lại là khủng bố, độc tài và giết người hàng loạt… Chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với thiếu tự do, nó còn đồng nghĩa với thiếu hàng hóa, bởi vì đây chắc chắn là hậu quả của việc xóa bỏ thị trường…”

Từ những nghiên cứu về một số mô hình chủ nghĩa xã hội, T. Eagleton khẳng định những thành tựu đáng kể mà các quốc gia này đã đạt được. Minh chứng cụ thể là Liên Xô, đã cố gắng có nhà ở, nhiên liệu, giao thông và văn hóa giá rẻ, việc làm đầy đủ và những dịch vụ xã hội ấn tượng cho một nửa dân số châu Âu, cũng như một mức độ công bằng và đầy đủ về vật chất mà không một quốc gia nào trong số đó trước đây có thể sánh được; hay nước Đông Đức cộng sản có thể kiêu hãnh về một trong những hệ thống chăm sóc trẻ em tốt nhất thế giới; hay Trung Quốc đã đưa những công nhân của mình ra khỏi lạc hậu kinh tế để đến với thế giới công nghiệp hiện đại.

Vấn đề thứ ba “Chủ nghĩa Mác là một hình thức của thuyết quyết định luận,… Học thuyết về lịch sử của C. Mác chỉ là một phiên bản thế tục của thuyết quyết định luận. Nó công kích sự tự do và phẩm giá của con người đúng như những gì đã xảy ra ở các nước xã hội chủ nghĩa”.

Bằng biện giải và chứng cứ thực tiễn, T. Eagleton đã bộc lộ ngụ ý cho rằng: C. Mác không phát minh ra chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản mà chính phong trào chống áp bức, bóc lột của giai cấp công nhân ở châu Âu đã đạt tới tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong thời đại ông sống. C. Mác khẳng định trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản rằng: “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”, tức là đấu tranh giai cấp là phần cơ bản nhất, là động lực trực tiếp của lịch sử nhân loại.

Vấn đề thứ tư: “Chủ nghĩa Mác là giấc mơ về xã hội không tưởng. Nó đặt niềm tin vào một xã hội hoàn hảo, không có khổ cực đau buồn, bạo lực và mâu thuẫn… Cách nhìn nhận ngây thơ một cách đáng ngạc nhiên này bắt nguồn từ niềm tin ấu trĩ vào bản chất con người. Người ta đơn giản cho rằng, cái xấu xa trong con người không tồn tại… Chính viễn cảnh ngây ngô của C. Mác về tương lai phản ánh sự phi thực tế đến vô lý trong toàn bộ hệ thống quan điểm chính trị của ông”.

Tác giả công trình Tại sao Mác đúng? đã phân tích từ góc độ nhận thức luận về quá khứ, hiện tại, tương lai để khẳng định rằng sự phê phán Mác về những vấn đề trên là không đúng. Mác có kế thừa các triết gia không tưởng như Charles Fourier, Saint Simon và Robert Owen, nhưng ông phản đối tư tưởng của họ trên nhiều chiều cạnh, trong đó có vấn đề cốt yếu là niềm tin của những triết gia không tưởng về việc giành thắng lợi trước đối thủ chỉ toàn bằng sức mạnh của lý lẽ. Mác không mơ mộng về một tương lai tốt đẹp, mà là giải quyết mâu thuẫn hiện tại đang cản trở sự xuất hiện một tương lai tốt đẹp hơn. Ông phác thảo ra một tương lai mà hình ảnh thật sự của tương lai (xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa) chính là sự thất bại của hiện tại. 

Vấn đề thứ năm: “Chủ nghĩa Mác quy mọi vấn đề về kinh tế. Chủ nghĩa Mác chỉ là một dạng của thuyết quyết định luận về kinh tế… Khi quan điểm của C. Mác bị chi phối bởi kinh tế học như vậy, C. Mác đã trở thành một hình ảnh nghịch đảo về hệ thống tư bản chủ nghĩa mà ông từng lên án”.

Mác cho rằng hoạt động mang tính lịch sử đầu tiên chính là sản xuất ra các phương tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người, sản xuất vật chất quyết định hoàn toàn bản chất của nền văn minh. Tuy nhiên, chủ nghĩa Mác tin vào sản xuất là vì lợi ích của chính sản xuất theo một nội hàm rộng lớn hơn của từ này. Ông nghiêm khắc lên án việc đơn giản hóa hoạt động sản xuất của con người chỉ ở máy kéo và tuốc bin, trái lại, hoạt động sản xuất mà Mác quan tâm gần gũi với nghệ thuật hơn là chỉ có lắp ráp những chiếc radio bán dẫn hoặc giết mổ cừu. Con người chỉ thực sự sản xuất khi họ được tự do thực hiện và vì lợi ích của chính họ. Lao động và sản xuất phải trở thành nhu cầu sống lành mạnh của con người. Và khi họ được tận hưởng sự dồi dào sẵn có của hàng hóa vật chất, không phải bận tâm suy nghĩ về tiền bạc, nói cách khác khi mà kinh tế không còn độc chiếm nhiều thời gian và sức lực của con người, thì cuộc sống tốt đẹp mà họ đang có sẽ là sự nghỉ ngơi thay vì lao động. Chính chủ nghĩa tư bản chứ không phải chủ nghĩa Mác mới theo thuyết giản hóa luận kinh tế. Chỉ có chủ nghĩa tư bản mới tin vào sản xuất vì lợi ích đơn thuần và tin vào nội hàm hẹp hơn của khái niệm “sản xuất”. 

Vấn đề thứ sáu: “Mác là một nhà duy vật đơn thuần… Ông không quan tâm đến các khía cạnh tinh thần của con người và coi ý thức của con người là sự phản ánh của thế giới vật chất… Chủ nghĩa Mác làm cạn kiệt hết tất cả những gì quý giá nhất thuộc về con người, thu gọn chúng ta thành một mớ lổn nhổn vật chất bị chi phối bởi ngoại cảnh của chúng ta…”.

Từ những nghiên cứu, phân tích mối quan hệ giữa thể xác với tư duy của con người, mối quan hệ giữa tồn tại xã hội với ý thức xã hội, mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng, những ngộ nhận về duy vật lịch sử, duy vật biện chứng, và sự vu khống chủ nghĩa Mác liên quan đến những vấn đề này, T. Eagleton khẳng định Mác là một trong những bộ óc vĩ đại nhất thời hiện đại và học thuyết Mác không chỉ là sự giải thích thế giới mà còn là công cụ để cải tạo thế giới.Theo Mác, tư duy và động lực thể xác của chúng ta quan hệ chặt chẽ với nhau và tư duy bản thân nó là tính tất yếu vật chất. Con người do thế giới vật chất thiết lập, bởi vì chỉ bằng cách tham gia vào thế giới vật chất ta mới có thể thực thi được khả năng của chúng ta và khẳng định thực tại của những khả năng đó. Đề cập tới vấn đề tinh thần, C. Mác khẳng định tinh thần không phải là cái tách rời khỏi thể xác và thuộc thế giới khác. Có một hoạt động của thể xác mà tinh thần được thể hiện đặc biệt rõ, đó chính là ngôn ngữ - biểu hiện vật chất cụ thể của tinh thần hay ý thức của con người.

Vấn đề thứ bảy: “Nỗi ám ảnh chán ngắt về giai cấp đã khiến chủ nghĩa Mác quá ư lạc hậu. Những người theo chủ nghĩa Mác dường như đã không để ý rằng hình ảnh giai cấp xã hội đã thay đổi không còn nhận ra so với ngày C. Mác viết tác phẩm của mình…”.

 Eagleton khẳng định rằng, chủ nghĩa Mác không định nghĩa giai cấp theo phong cách sống, địa vị, thu nhập, giọng nói, nghề nghiệp hay tình trạng gia đình. Với C. Mác, giai cấp không phải là vấn đề anh cảm thấy thế nào mà là anh đang làm gì, anh đang đứng ở đâu trong một phương thức sản xuất cụ thể.

Tác giả luận giải về quá trình hình thành giai cấp công nhân, khẳng định chủ nghĩa Mác không đặt trọng tâm vào giai cấp công nhân chỉ vì nhìn thấy một số ưu điểm của lao động, cũng không đặt tầm quan trọng chính trị vào giai cấp công nhân vì họ được cho là bị chà đạp nhất trong các nhóm xã hội, mà điểm quyết định nhất chính là giai cấp công nhân có được vị trí trong lòng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa tư bản không thể tồn tại mà không có giai cấp công nhân, trong khi giai cấp công nhân có thể phát triển thịnh vượng hơn nhiều nếu không có tư bản chủ nghĩa.

Vấn đề thứ tám: “Những người mác xít là những người cổ vũ cho hành động chính trị bạo lực. Họ không tán thành biện pháp cải cách dần dần và ôn hòa, mà thay vào đó là sự lựa chọn những cuộc hỗn loạn cách mạng vấy máu. Chỉ có một lực lượng thiểu số giai cấp tiên phong sẽ vùng lên, lật đổ chính phủ và áp đặt ý chí của mình lên đại đa số. Đây là một trong số những điều khiến cho chủ nghĩa Mác và dân chủ không thể song hành tồn tại…”.

Để phản bác lại quan điểm này, Eagleton đã phân tích rõ khái niệm cách mạng và cải cách và dẫn chứng hàng loạt cứ liệu từng có trong lịch sử để chứng minh rằng, rất nhiều cuộc cải cách – thường được coi là hòa bình, như phong trào dân quyền ở Mỹ ôn hòa - lại làm bùng lên xung đột, đẫm máu; ngược lại, rất nhiều cuộc cách mạng - thường được coi là bạo lực - lại diễn ra khá hòa bình như cuộc cách mạng Bôn Sê Vích ở Nga năm 1917. Eagleton thừa nhận nhà nước Stalin - một phiên bản có nhiều những hành động chính trị bạo lực, nhưng so với lịch sử của chủ nghĩa tư bản thì chưa là gì mà chủ nghĩa tư bản gây ra về chiến tranh toàn cầu, bóc lột thuộc địa, tội diệt chủng và nạn đói. Mác cho rằng những cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa chỉ có thể là những cuộc cách mạng dân chủ, bởi sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân chống lại nhóm thiểu số phi dân chủ là giai cấp thống trị cho thấy nhiều khả năng thành công, cũng đồng nghĩa với việc đó sẽ là những cuộc cách mạng ít bạo lực nhất.

Vấn đề thứ chín: “Chủ nghĩa Mác tin vào một nhà nước nắm mọi quyền lực trong tay. Sau khi xóa bỏ tư hữu, những nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ thống trị bằng quyền lực và bạo lực, và quyền lực đó sẽ chấm dứt tự do cá nhân…”.

Chủ nghĩa Mác khẳng định sự tồn tại của Nhà nước là để bảo vệ trật tự xã hội hiện hành chống lại những người cố thay đổi nó, là một lực lượng đầy sức mạnh bảo vệ cái thiện; nói cách khác, Nhà nước là sự cai trị của công dân đối với chính họ, không phải của thiểu số đối với số đông. Theo Mác, dân chủ phải có tính địa phương, tính quần chúng và xuất hiện ở tất cả các thể chế của xã hội dân sự, phải có nghĩa là sự tự chủ thực sự. Quan điểm này của Mác là sự phản bác nặng nề đối với những luận điểm phê phán ông nói trên.   

Vấn đề thứ mười: “Chủ nghĩa Mác đã trở nên lỗi thời. Nó bị thay thế bởi các học thuyết khác như: phong trào nữ quyền, vấn đề bảo vệ môi trường, chính trị dân tộc, toàn cầu hóa, phong trào vì hòa bình…”.

T.Eagleton khẳng định rằng, về các phong trào nữ quyền, vấn đề giới, phong trào giải phóng dân tộc, vấn đề giai cấp và dân tộc, phong trào đấu tranh vì hòa bình, đấu tranh bảo vệ môi trường, Mác đều có những đóng góp vượt trội trên cả bình diện tư tưởng và hoạt động thực tiễn; và chính những người mácxít, chứ không phải ai khác, đã và đang trở thành đội quân tiên phong của các cuộc đấu tranh vĩ đại đó.

Brê-din-xki là một trong những người chống lại chủ nghĩa xã hội khét tiếng ở Mỹ đã viết cuốn sách “Thất bại lớn - sự hưng vong của chủ nghĩa cộng sản thế kỷ XX”. Mặc dù rất thù ghét chủ nghĩa Mác, Ông cũng phải thừa nhận chủ nghĩa Mác vẫn là một vũ khí sắc bén để nhận thức và cải tạo thế giới. Khái niệm về phép biện chứng lịch sử xem chừng là phương pháp giá trị nhất để tiếp cận và xử lý các mâu thuẫn hiện thực.

Tìm hiểu sự điều chỉnh, thích nghi của chủ nghĩa tư bản đương đại A. Dinoviep (người tự nhận không phải là môn đệ của chủ nghĩa Mác - Lênin, từng là người chống đối Nhà nước Xô-viết và phải ngồi tù thời còn Liên Xô, sau đó sống lưu vong ở Mỹ) đã chỉ rõ ràng, phân tích thế giới phương Tây, tôi có thể chỉ ra rằng phương Tây đã vay mượn biết bao thứ và đã làm rất nhiều điều thành công dưới ảnh hưởng những thành quả của phong trào cộng sản ở thế kỷ XX.

Đi-đi-ê Ê-ri-bông nhà chính luận Pháp vẫn khẳng định: Sức sống mãnh liệt của học thuyết Mác là bất diệt và vai trò dẫn đường thời đại mới vẫn chính là chủ nghĩa Mác./.