QPTD - Khi xác định nội dung động viên quốc phòng trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ta chỉ rõ: “sẵn sàng vũ trang toàn dân bảo vệ Tổ quốc”, “chuẩn bị chu đáo các phương án động viên nhân tài, vật lực cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khi cần thiết”. Trong Chiến lược quốc phòng, Đảng ta chủ trương: Xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các loại hình tổ chức kinh tế - xã hội và từng vùng, miền. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên cả nước, mạnh ở trọng điểm. Chuẩn bị tốt, sẵn sàng chuyển đất nước sang thời chiến. Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra chủ trương: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”1.
Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy, động viên quốc phòng luôn được ông cha ta chú trọng, nhằm chuẩn bị đất nước về chính trị - tinh thần, nhân lực, vật lực, sẵn sàng đối phó và giành thắng lợi trong chiến tranh. Các triều đại phong kiến Việt Nam rất chú trọng chuẩn bị nguồn lực động viên ngay từ thời bình; kết hợp giữa sản xuất, phát triển kinh tế với xây dựng quân đội; chú trọng xây dựng lực lượng thường trực với xây dựng lực lượng dự bị và huy động toàn dân đánh giặc. Thời Đinh và Tiền Lê, chủ trương gắn “việc binh” với “việc nông”, thực hiện kế sách chăm lo xây dựng đất nước để “quốc thịnh, binh cường”. Thời Lý - Trần, thực hiện sách lược “tận dân vi binh”, “cử quốc nghênh địch” (toàn dân là lính, cả nước đánh giặc) và chủ trương “ngụ binh ư nông”, “tĩnh vi nông, động vi binh” - thời bình là nông dân, khi có chiến tranh được huy động để bổ sung cho quân đội. Nhìn chung, các triều đại phong kiến thường xác định dân binh (hương binh) là một bộ phận của lực lượng vũ trang, là tổ chức quân sự cơ sở ở làng xã, có nhiệm vụ chủ yếu là canh phòng, bảo vệ trị an và sẵn sàng tham gia đánh giặc khi đất nước có chiến tranh. Do đó, vấn đề động viên toàn dân, huy động mọi nguồn lực của đất nước cho chiến tranh luôn được nhà nước phong kiến coi trọng và chính sách “ngụ binh ư nông”, “tĩnh vi nông, động vi binh” trở thành quốc sách để giữ nước.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác động viên quốc phòng được tiến hành bằng nhiều biện pháp phong phú nên đã huy động được tinh thần, nguồn lực toàn dân, toàn diện để đánh giặc. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ra lời kêu gọi đồng bào trên khắp cả nước “Ủng hộ Việt Minh”, Chính phủ ra sắc lệnh “Đảm phụ quốc phòng” bằng lương thực hoặc tiền, mỗi người góp 05 đồng và thực hiện trưng mua gạo, hàng hóa, tạm vay tiền, vàng của nhân dân, vận động gây quỹ quốc phòng, quỹ độc lập và tuần lễ vàng,... nên đã động viên nhân dân cả nước với tinh thần, ý chí “quyết chiến, quyết thắng”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua nhà không tiếc”, v.v. Nhờ đó, hàng triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, hàng hóa,... đã được tổ chức khai thác và dự trữ trên các chiến trường, bảo đảm kịp thời cho toàn dân đánh giặc, giành thắng lợi vẻ vang trong công cuộc giải phóng dân tộc.
Ngày nay, trên cơ sở quán triệt và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, đề án,... của Đảng, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, “thế trận lòng dân” và các nguồn lực động viên quốc phòng được xây dựng ngày càng vững chắc. Hệ thống pháp luật, các chiến lược, đề án về quân sự, quốc phòng, an ninh, nhất là các cơ chế, chính sách động viên quốc phòng được ban hành và triển khai thực hiện tương đối đồng bộ. Việc phát triển kinh tế - xã hội từng bước được kết hợp chặt chẽ với tăng cường quốc phòng, an ninh. Công nghiệp quốc phòng, an ninh được tập trung đầu tư phát triển, sản xuất được nhiều loại phương tiện, thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Các cơ sở động viên công nghiệp được đầu tư, xây dựng, duy trì sản xuất, sửa chữa, vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ dân sinh và nhu cầu quốc phòng, an ninh trong thời bình, vừa sẵn sàng động viên trong các tình huống quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, việc tổ chức quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về động viên quốc phòng còn có những hạn chế, bất cập. Đó là, một số lĩnh vực, địa bàn, việc kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh chưa chặt chẽ, hiệu quả, nên nguồn lực động viên quốc phòng của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự vững chắc. Đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ một số địa phương chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ phát triển kinh tế; khả năng dự trữ và huy động các nguồn lực cho quốc phòng có ngành, địa phương hạn chế. Tình trạng di dân tự phát, tội phạm, tệ nạn xã hội, an ninh, trật tự ở một số địa bàn có thời điểm chưa được kiểm soát, quản lý chặt chẽ, ảnh hưởng đến động viên quốc phòng, nhất là xây dựng “thế trận lòng dân” của khu vực phòng thủ, v.v.
Để chuẩn bị tiềm lực của đất nước, sẵn sàng đối phó hiệu quả với mọi tình huống quốc phòng, an ninh, đòi hỏi các cấp, ngành, lực lượng từ Trung ương đến địa phương, cả hệ thống chính trị và toàn dân phải tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, triệt để các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, đề án,... của Đảng trong thực hiện động viên quốc phòng; trong đó, cần quán triệt và thực hiện tốt một số, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước đối với công tác động viên quốc phòng. Đây là giải pháp cơ bản, xuyên suốt, quan trọng hàng đầu, quyết định đến kết quả xây dựng và huy động nguồn lực động viên, phát huy sức mạnh tổng hợp của đát nước, các tổ chức, cá nhân tham gia công tác động viên quốc phòng. Để thực hiện giải pháp này, cần đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy đảng, hệ thống chính trị, nhất là vai trò của tổ chức đảng trong các bộ, ngành Trung ương, địa phương đối với nhiệm vụ xây dựng và huy động nguồn lực động viên cho quốc phòng; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục nhiệm vụ động viên đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong sạch, vững mạnh, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng; phân công trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên chịu trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo từng nội dung, từng lĩnh vực cụ thể về công tác động viên quốc phòng. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong hoàn thiện cơ chế, chính sách động viên quốc phòng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ động viên quốc phòng; đồng thời, tăng cường sự quản lý, điều hành của Nhà nước thông qua việc nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về động viên quốc phòng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước thông qua hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp; coi trọng hoàn thiện và thực thi chính sách động viên quốc phòng. Nâng cao chất lượng giáo dục chấp hành pháp luật động viên quốc phòng cho các đối tượng. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác động viên quốc phòng. Củng cố, tăng cường hệ thống công cụ, phương tiện quản lý nhà nước về động viên quốc phòng, cải cách hành chính, đầu tư thích đáng cho công tác xây dựng, huy động nguồn lực động viên. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và công tác phối hợp của các cơ quan Nhà nước trong xây dựng và huy động nguồn lực động viên quốc phòng.
Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và hệ thống chính trị, nhằm huy động cao nhất vai trò, trách nhiệm, khả năng của các tổ chức và nhân dân trong thực hiện công tác động viên quốc phòng. Động viên cho quốc phòng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Do đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các bộ, ngành Trung ương, địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong xây dựng kế hoạch động viên quốc phòng trên cơ sở kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; chủ động tổ chức, chuẩn bị chu đáo, toàn diện công tác động viên quốc phòng ngay từ thời bình, làm cơ sở để huy động kịp thời mọi nguồn lực của đất nước đáp ứng yêu cầu từng trạng thái quốc phòng. Kết hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành Trung ương, địa phương trong xây dựng và huy động nguồn lực động viên. Trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đóng vai trò trung tâm, nòng cốt.
Ba là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách động viên quốc phòng. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách là cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện nhiệm vụ động viên quốc phòng đúng pháp luật, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước về xây dựng và huy động các nguồn lực động viên cho quốc phòng. Hiện nay, hệ thống các văn bản pháp luật, cơ chế vận hành, các chính sách bảo đảm cho công tác động viên quốc phòng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và ban hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, các yếu tố chi phối đến công tác động viên quốc phòng luôn vận động phát triển không ngừng, những quy định của pháp luật và chính sách đang vận dụng có những quy định không còn phù hợp trong thực tiễn. Vì vậy, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và các tổ chức có liên quan cần tiếp tục chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách động viên quốc phòng. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh; đầu tư xây dựng các nguồn lực động viên, cơ chế hoạt động của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp trong động viên quốc phòng. Quá trình thực hiện, cần chủ động rà soát, nghiên cứu các văn bản, chính sách hiện hành; tổ chức đánh giá cụ thể mức độ phù hợp của từng văn bản, chính sách và những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với quy định pháp luật so với hoạt động thực tiễn đặt ra cho công tác động viên quốc phòng. Cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ động viên quốc phòng trong tình hình mới.
Bốn là, nâng cao hiệu quả kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với chuẩn bị nguồn lực động viên quốc phòng. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh là chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước ta. Trong đó, sự kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với chuẩn bị nguồn lực động viên quốc phòng là nội dung quan trọng trong chuẩn bị nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc. Sự kết hợp đó được thể hiện thông qua việc quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với kế hoạch động viên quốc phòng và bố trí thế trận quốc phòng. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống của nhân dân gắn với tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật, hậu cần, tài chính, khoa học - công nghệ vững chắc trên từng địa phương, địa bàn chiến lược. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với điều chỉnh phân bố dân cư, xây dựng lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ; chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông sẵn sàng phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng. Kết hợp trong chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện của từng địa phương để bảo đảm khả năng sẵn sàng chuyển sang các trạng thái quốc phòng một cách chủ động, kịp thời, an toàn theo kế hoạch thống nhất. Xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng vững mạnh trên các địa bàn trọng điểm, vừa thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn trọng yếu, biên giới, hải đảo, vừa tăng cường tiềm lực, lực lượng quốc phòng, sẵn sàng bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng khi có tình huống.
Năm là, tăng cường công tác huấn huyện, diễn tập, tổng kết thực tiễn động viên quốc phòng. Đây là giải pháp quan trọng, không thể thiếu trong chuẩn bị động viên, nhằm nâng cao chất lượng động viên quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Để thực hành động viên quốc phòng hiệu quả, cần nắm vững đặc điểm của từng ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; từ đó, xác định nội dung, hình thức, phương pháp huấn huyện, diễn tập cho phù hợp. Đồng thời, phải xây dựng được kế hoạch huấn huyện, diễn tập động viên quốc phòng của Nhà nước và của từng ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trong huấn luyện, vận dụng linh hoạt phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc, sát thực tế”; coi trọng huấn luyện sát với yêu cầu, nhiệm vụ động viên của từng ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nội dung, phương pháp huấn luyện chú trọng vào phương án, kế hoạch động viên; gắn lý luận cơ bản với kết hợp bồi dưỡng kinh nghiệm truyền thống. Trong diễn tập phải thực hiện tốt các yêu cầu: chuẩn bị chu đáo, toàn diện; lãnh đạo, điều hành, chỉ huy, chỉ đạo chặt chẽ, khoa học; nội dung diễn tập thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ, khả năng của từng ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; coi trọng bảo đảm an toàn, hiệu quả, thiết thực, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến và phòng thủ dân sự.
Trong tương lai, các yếu tố tác động đến công tác động viên quốc phòng sẽ có sự phát triển nhanh chóng cùng với sự phát triển của tình hình thế giới, khu vực, trong nước và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Để tiến hành động viên quốc phòng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cần phải thường xuyên quán triệt, nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về động viên quốc phòng; đồng thời, chủ động nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ và các giải pháp công tác động viên quốc phòng phù hợp.