Quyền con người và bảo đảm quyền con người là giá trị chung của nhân loại, là mục tiêu, mục đích hướng đến của Đảng Cộng sản Việt Nam, của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề quyền con người hay (Nhân quyền) luôn là vấn đề nhạy cảm do các các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng để chống phá cách mạng nước ta, vì vậy có một thời gian chúng ta gần như ngại đề cập đến cụm từ này. Hiện nay vấn đề quyền con người và bảo đảm quyền con người là vấn đề cả thế giới đang rất quan tâm và Việt Nam cũng là một thành viên rất có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế về vấn đề này. Đến nay chúng ta đã tham gia 7/9 công ước quốc tế về Quyền con người, điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế về Quyền con người và bảo đảm quyền con người, mà còn thể hiện rất rõ khát vọng, mục tiêu hướng đến của cách mạng Việt Nam là tất cả vì con người và sự phát triển toàn diện của con người, điều này còn được bảo đảm trên thực tế ở văn bản Pháp lý cao nhất đó là Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 gồm 11 chương và 120 điều, trong đó có 36 điều qui định về quyền con người.

Các quyền dân sự, chính trị. Điều 19 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Đồng thời Điều 38 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam quy định “Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng”. Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm. Quyền bất khả xâm phạm về thân thể là quyền thiêng liêng của con người. Điều 20 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Khoản 2 Điều 20 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định”. Khoản 3 Điều 20 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định “Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm”. Quyền được xét xử công bằng (Điều 31). Quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.  Đây là quyền con người cơ bản trong các giai đoạn của quá trình tố tụng, đặc biệt là giai đoạn xét xử, bảo đảm hoạt động tố tụng đối với họ được khách quan, công bằng và bảo đảm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của họ trong trường hợp bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam. Quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử. Điều 16 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 nêu rõ: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Bình đẳng, không phân biệt đối xử được coi là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật về quyền con người. Quyền được bảo vệ bí mật đời tư. Khoản 1 Điều 21 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”. Khoản 2 Điều 21 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 “Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Khoản 1 Điều 22 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp”. Khoản 2 Điều 22 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Mọi người cỏ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”. Khoản 3 Điều 22 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Việc khám xét chỗ ở do luật định”. Quyền tự do đi lại và cư trú. Điều 23 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước.” Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo. Khoản 1 Điều 24 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Cá nhân có thể theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào, người đã theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào có quyền thôi hoặc bỏ để theo tín ngưỡng, tôn giáo khác mà không ai được cưỡng bức hoặc cản trở. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Khoản 2 Điều 24 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin. Điều 25 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Quyền tự do hội họp và lập hội. Quyền hội họp và lập hội là quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận và kế thừa trong các bản Hiến pháp Việt Nam từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013. Quyền kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân. Điều 36 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi cuủa người mẹ và trẻ em".

Các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa. Quyền về việc làm. Khoản 1 Điều 35 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”. Khoản 2 Điều 35 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 “Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi”. Quyền tự do kinh doanh. Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định  “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Quyền sở hữu. Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Quyền có mức sống thích đáng. Điều 3 Hiến pháp: “Nhà nước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Quyền thành lập và gia nhập công đoàn. Khoản 2 Điều 9 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định “Công đoàn Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình”. Quyền được hưởng an sinh xã hội. Mọi người bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội. Quyền được chăm sóc sức khỏe. Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Điều này cho thấy, quyền được chăm sóc sức khỏe nói riêng và quyền con người được quy định trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 và Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Quyền về giáo dục. Khoản 1 Điều 61 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định “Coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Khoản 2 Điều 61 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định “Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục, chăm lo giáo dục mầm non, bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí...”. Quyền về văn hóa. Điều 50 Hiến pháp khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tể độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”

Các quyền của nhóm dễ bị tổn thương. Quyền của phụ nữ. Điều 26 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới. Điều 36 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Quyền của trẻ em. Điều 37 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; Được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Quyền được khai sinh và có quốc tịch, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền được giáo dục học tập và phát triển năng khiếu... Đối với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em không nơi nương tựa như khuyến khích gia đình, cá nhân nhận nuôi con nuôi; cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa,  trẻ em khuyết tật là nạn nhân của chất độc da cam được  Nhà nước và xã hội giúp đỡ, chăm sóc, tạo điều kiện để sớm phát hiện bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và được nhận vào các lớp học hoà nhập, lớp học dành cho trẻ em khuyết tật hay được giúp đỡ học văn hoá, học nghề và tham gia hoạt động xã hội. Đối với những trẻ em không có quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn: được hỗ trợ, tìm kiếm cha mẹ và gia đình... Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Quyền của người cao tuổi. Điều 37 Hiến pháp 2013 quy định: Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 là ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn Dân và toàn Quân ta, thể hiện rõ nét bản chất của Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, vì quyền và bảo đảm quyền con người trên thực tế. Đây là cơ sở rất quan trọng để toàn Đảng, toàn Dân và toàn Quân ta phản bác lại những luận điếu bóp méo, vu khống, xuyên tạc về bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Thượng tá Đoàn Văn Thịnh

Khoa Lý luận Mác - Lênin