Thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đập tan xiềng xích nô lệ của chủ nghĩa đế quốc trong hơn 80 năm, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế suốt 1.000 năm trên lãnh thổ Việt Nam, cho ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người tự do, người làm chủ vận mệnh dân tộc mình. Khi nói về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”1.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí khát vọng giành lại độc lập, tự do đến cùng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đã khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất, kiên cường của nhân dân Việt Nam; là hiệu lệnh làm sục sôi khí thế đấu tranh bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một ý chí Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, một thái độ dứt khoát và kiên định: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”2. 

Mùa Xuân năm 1941, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng sau gần 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài. Người đã triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (tháng 5-1941) tại Pắc Bó (Cao Bằng) nhằm tập trung hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trước tình hình đang chuyển biến mau lẹ. Hội nghị nhấn mạnh: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”3.

Muốn đánh Pháp, đuổi Nhật, cần phải có một lực lượng thống nhất của tất cả các dân tộc Đông Dương hợp lại; vì thế, Đảng phải vận dụng một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, khát vọng độc lập dân tộc, tự do trong Nhân dân. Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Có thể nói, Hội nghị Trung ương lần thứ VIII đã hoàn thành việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược nhằm giải quyết mục tiêu số 1 của cách mạng là độc lập dân tộc, sẽ được thực hiện bằng một cuộc Tổng khởi nghĩa.

Để có thể huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa, ngày 25-10-1941, Mặt trận Việt Minh đã công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ. Theo đó, trong Chương trình cứu nước là cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do. Toàn bộ chủ trương, đường lối, chính sách, sách lược của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã được toàn dân triển khai thực hiện có kết quả trên tất cả các lĩnh vực xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang, xây dựng chiến khu, căn cứ địa, tổ chức các đoàn thể cứu quốc nhằm chờ đón thời cơ thuận lợi để đứng lên giành chính quyền.

Đến giữa tháng 8-1945, khi tình thế cách mạng trực tiếp xuất hiện, vấn đề giành chính quyền được đặt ra như một cuộc chạy đua nước rút với quân Đồng minh. Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"4. Với một quyết tâm sắt đá: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”5. Đây là một quyết định lịch sử, chính xác, kịp thời của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước vận mệnh của nước nhà và đây cũng là ý chí, là khát vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu nhân dân ta đã nhất tề vùng dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày (14 đến 28-8) cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công trên cả nước, chính quyền về tay nhân dân.

Như vậy, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chính là thắng lợi của tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, khát vọng Việt Nam trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh. Trong thời đại Hồ Chí Minh, giá trị đó được nâng lên một tầm cao mới, là cơ sở để Đảng và Nhân dân ta xác lập một con đường cứu nước đúng đắn - giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Chính đường lối đúng đắn đã huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết, kết hợp với sức mạnh thời đại tạo lên sức mạnh tổng hợp giành thắng cho cách mạng.

Tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, khát vọng Việt Nam lại tiếp tục được phát huy cao độ trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cho dân tộc ta khát vọng, niềm tin và và sức mạnh của dân tộc trong thời đại mới. Đó là, cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta cũng phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Dù khó khăn gian khổ đến mấy, Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”6. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà.

Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, mọi vấn đề đều được xác định bằng thước đo yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là Tổ quốc trên hết! Dân tộc trên hết!”; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”7; một mục đích duy nhất, đó là “làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”8; thực hiện mong muốn xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Như vậy, có thể hiểu khát vọng Việt Nam là một triết lý xã hội và nhân văn, một triết lý hành động vì độc lập, tự do hạnh phúc của đất nước và dân tộc.

Bước sang thế kỷ XXI, khát vọng Việt Nam vẫn là động lực lớn, để đưa đất nước ta tiến tới thắng lợi cuối cùng. Để khơi dậy khát vọng Việt Nam trong thời đại mới, chúng ta cần khơi dậy được sức mạnh sáng tạo và xây dựng của mọi tầng lớp nhân dân làm cho mỗi người dân Việt Nam tự hào và xứng đáng là chủ nhân của một dân tộc độc lập, luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cũng như chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu trong sự nghiệp xây dựng đất nước, vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”9.

Trong thời đại ngày nay, mặc dù bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế hiện nay có nhiều biến đổi; song, Đảng ta vẫn khẳng định kiên định mục tiêu, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của thời đại. Bài học thực tiễn qua 35 năm đổi mới là phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần phải “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”10.

Hiện nay, để khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí khát vọng Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần nhận thức và giải quyết đúng đắn nội dung đó trong điều kiện mới. Kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ mở cửa hội nhập; trước hết, cần nhận thức độc lập và phụ thuộc, độc lập và hợp tác có sự đan xen vào nhau. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn không chịu từ bỏ dã tâm chống phá và tiêu diệt các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, mục tiêu cao nhất là phải giữ vững độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Mà muốn giữ vững độc lập dân tộc trong điều kiện hiện nay, phải có những yêu cầu mới, cao hơn, đó là phát huy sức mạnh tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, giáo dục, khoa học công nghệ, quân sự...

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Giữ vững độc lập hiện nay thực chất là xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, làm cho dân giàu, nước mạnh. Chỉ có như vậy, mới giữ vững được độc lập dân tộc. Xây dựng Tổ quốc cũng chính là nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Tổ quốc là để xây dựng Tổ quốc. Để làm được điều đó, không thể chỉ là sức mạnh của tình cảm, lòng yêu nước đơn lẻ từng cá nhân, mà phải xây đắp, vun bồi khát vọng Việt Nam trong thời kỳ mở cửa, hội nhập trên nền tảng chủ nghĩa yêu nước theo quan điểm của Hồ Chí Minh. Phát huy chủ nghĩa yêu nước trong giai đoạn hiện nay cần phải mở rộng biên độ yêu nước cả bề rộng lẫn chiều sâu. Ngày nay, yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, mà yêu chủ nghĩa xã hội là phải bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội theo tinh thần đổi mới.

Tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, khát vọng Việt Nam trong giai đoạn mới phải trên cơ sở kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây cũng là vấn đề rất cơ bản trong giai đoạn cách mạng mới. Ngày nay, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị trên những nguyên lý cơ bản. Khát vọng Việt Nam chỉ có trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì mới có thêm được sức mạnh mới, một xung lực mới. Đây là một bài học quý mà Đảng ta đã rút ra, được thực tiễn cách mạng Việt Nam kiểm chứng, đã và đang phát huy sức mạnh trong 35 năm đổi mới.

Hiện nay, khi tình hình thế giới và khu vực đang có những diễn biến hết sức phức tạp, việc phát huy khát vọng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một vấn đề có ý nghĩa thiết thực và cấp bách. Tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, khát vọng Việt Nam hiện nay phải tiếp nhận những tư tưởng tiên tiến của thời đại văn minh công nghiệp và hậu công nghiệp, phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước. Những tư tưởng đó là trí tuệ của nhân loại, được đúc rút qua hàng trăm năm và được khẳng định mang tính quy luật phát triển của thời đại. Khát vọng Việt Nam được Đảng ta tiếp tục xác định tại Đại hội XIII của Đảng: “Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”11. Mục tiêu phát triển đất nước đã được được cụ thể hóa qua từng giai đoạn, có lộ trình, bước đi cụ thể, rõ ràng và tầm nhìn tới năm 2045, thể hiện khát vọng Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện vĩ đại, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó chính là thắng lợi của tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới - Thời đại Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, giá trị đó vẫn là động lực lớn, để đưa đất nước ta tiến tới thắng lợi cuối cùng. Vì vậy, cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.

 

Đại tá, TS Lê Thanh Bình

Chủ nhiệm Khoa Chỉ huy - Tham mưu/Học viện Lục quân