Thuật ngữ hệ thống pháp luật được bàn đến phổ biến trong khoa học pháp lý ở cả phương Đông và phương Tây, với nhiều cách hiểu khác nhau tùy theo góc độ tiếp cận của các học giả, nhà khoa học. ở Việt Nam, đã có nhiều nhà khoa học, học giả đưa ra các khái niệm về hệ thống pháp luật. Song theo khái niệm hệ thống pháp luật của Phạm Hồng Thái và Đinh Văn Mậu được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình. Theo đó, “hệ thống pháp luật là tổng thể các quy phạm pháp luật được quy định một cách khách quan bởi các điều kiện kinh tế - xã hội, được phân chia thành các bộ phận cấu thành khác nhau (các ngành luật, phân ngành luật, chế định pháp luật), phù hợp với đặc điểm, tính chất của các quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh, nhưng các bộ phận khác nhau ấy có mối quan hệ tác động qua lại chặt chẽ và thống nhất với nhau”.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là một nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên, lâu dài của các chủ thể trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Là một thành tố của hệ thống chính trị, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đã đóng góp và mang lại nhiều thành công trong xây dựng hệ thống pháp luật ở nước ta.
Những năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát huy vai trò tham mưu xây dựng pháp luật về quân sự, quốc phòng, cơ yếu, góp phần vào từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Nghị quyết số 48-NQ/TƯ ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Trong đó, vai trò của Vụ Pháp chế và các cơ quan Tòa án quân sự, Viện Kiểm sát quân sự, Cục Điều tra hình sự, An ninh điều tra, Cục thi hành án, các cơ quan của Tổng cục Chính trị, đã được phát huy tốt. Đặc biệt, trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành (25-9-1976 - 25-9-2021), ngành Pháp chế Quân đội không ngừng được củng cố, phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đã thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác soạn thảo, đề xuất xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quân sự, quốc phòng, cơ yếu, cơ bản đã hoàn thiện, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; công tác thẩm định và tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đi vào nền nếp, bảo đảm thời gian, chất lượng, được các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản tiếp thu và đánh giá cao.
Đánh giá về vai trò tham mưu xây dựng pháp luật về quân sự, quốc phòng của các lực lượng, cơ quan chuyên môn trong Quân đội nhiệm kỳ 2015-2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội khẳng định: “Quân đội đã tham mưu với Nhà nước thông qua, ban hành pháp luật về quân sự, quốc phòng, như: Luật Quốc phòng năm 2018 (sửa đổi), Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Luật Lực lượng Dự bị động viên, Luật Biên phòng Việt Nam...” và “Chủ động tham mưu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch thực hiện bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị”.
Trong thời gian tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song, tình hình thế giới diễn biến ngày càng nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được củng cố, nâng cao, song đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; Biển Đông, vùng biển Tây Nam và một số địa bàn chiến lược tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định. Trong điều kiện đó, Quân đội tiếp tục được Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng về mọi mặt; nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển mới, với các yêu cầu chứa đựng tính chất khó khăn, phức tạp hơn. Mặt khác, nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần và nhu cầu về chế độ chính sách với các đối tượng trong Quân đội, các đối tượng chính sách trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới; các đối tượng làm nhiệm vụ ở các địa bàn khó khăn, phức tạp do yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, nhu cầu hợp tác quốc phòng đang đặt ra những vấn đề mới cả về lý luận và thực tiễn, đòi hỏi cần bổ sung, phát triển, hoàn thiện pháp luật về quân sự, quốc phòng, cơ yếu trong tình hình mới. Do đó, việc phát huy vai trò các lực lượng của Quân đội tham mưu xây dựng hệ thống pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay. Để làm tốt điều này, các lực lượng Quân đội cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm các chủ thể, lực lượng tham mưu xây dựng pháp luật về quân sự, quốc phòng, cơ yếu và ngành luật khác có liên quan.
Đây là giải pháp cơ bản, quan trọng hàng đầu, nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng, nhất là đối với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan chuyên môn (Vụ Pháp chế, Cục Điều tra hình sự, An ninh điều tra, Cục thi hành án, Tòa án quân sự các cấp, Viện Kiểm sát quân sự các cấp, các cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị), đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật và đội ngũ cán bộ khoa học, đội ngũ nhà sư phạm giảng dạy, nghiên cứu về nhà nước, pháp luật và các nội dung liên quan đến pháp luật. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp và từng cán bộ làm công tác chuyên môn, nhà khoa học, nhà sư phạm phải tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 48-NQ/TƯ ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; quan điểm của Đại hội XIII của Đảng về “Nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có Chiến lược pháp luật”4, quan điểm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI về Thực hiện tốt việc nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, ban hành một số luật, văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Phối hợp đề xuất sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 “bảo đảm cơ sở pháp lý về quản lý, sử dụng đất quốc phòng và đất quốc phòng sử dụng vào hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quân đội”5. Thông qua đó, làm chuyển biến sâu sắc, mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và sự cần thiết phải phát huy vai trò lực lượng Quân đội tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quân sự, quốc phòng, cơ yếu và các lĩnh vực có liên quan của các chủ thể, lực lượng trong Quân đội.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đối với công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đối với công tác tham mưu xây dựng pháp luật về quân sự, quốc phòng, cơ yếu và các ngành luật khác có liên quan, là cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng quân đội tham mưu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là yếu tố trực tiếp góp phần phát huy vai trò các chủ thể, lực lượng Quân đội tham xây dựng pháp luật về quân sự, quốc phòng, cơ yếu và các ngành luật khác có liên quan trong tình hình mới. Do đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị cần định hướng đúng mục tiêu, phương hướng, biện pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ tham mưu xây dựng pháp luật về quân sự, quốc phòng, cơ yếu và các ngành luật khác có liên quan. Trước yêu cầu nhiệm vụ tham mưu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị là nội dung cần được tiến hành thường xuyên và thông qua các hình thức, biện pháp cụ thể, như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn bằng nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn; bằng phân công cấp ủy viên theo dõi, phụ trách; bằng sự nêu gương của tập thể Quân ủy Trung ương, của lãnh đạo, chỉ huy Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, gián tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đối với các cơ quan chuyên môn, cũng như đội ngũ cán bộ chuyên trách tham mưu xây dựng pháp luật, và đội ngũ các nhà khoa học, các nhà sư phạm nghiên cứu, giảng dạy về nhà nước, pháp luật và nội dung liên quan.
Thứ ba, phát huy vai trò, chức năng trong tham mưu, tổ chức thực hiện của các cơ quan chuyên môn.
Đây là giải pháp cơ bản, quyết định đến hiệu quả việc phát huy vai trò các lực lượng Quân đội tham mưu xây dựng pháp luật về quân sự, quốc phòng và các ngành luật có liên quan. Bởi vì, hiệu quả của công tác tham mưu xây dựng pháp luật về quân sự, quốc phòng, cơ yếu và các ngành luật có liên quan phụ thuộc trực tiếp vào phát huy vai trò, chức năng của các cơ quan chuyên môn (Vụ Pháp chế, Cục Điều tra hình sự, An ninh điều tra, Cục Thi hành án, Tòa án quân sự các cấp, Viện Kiểm sát quân sự các cấp, các cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị), mà nòng cốt là Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng. Theo đó, việc phát huy vai trò, chức năng tham mưu, tổ chức thực hiện của các cơ quan chuyên môn cần chú ý thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, tham mưu thực hiện đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện nội dung này, đòi hỏi các cơ quan chuyên môn, nhất là Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng cần tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo tuân thủ đúng chu trình xây dựng hoặc bổ sung, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật từ sáng kiến, đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc bổ sung, sửa đổi văn bản hiện hành; xây dựng bản thảo văn bản quy phạm pháp luật; thảo luận, thông qua dự luật; sửa đổi, hoàn chỉnh văn bản theo góp ý của đại biểu Quốc hội; trình văn bản ký, ban hành. Để thực hiện đúng quy trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, đòi hỏi các cơ quan chuyên môn cần chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về các đề án xây dựng, bổ sung, sửa đổi các dự án luật về quân sự, quốc phòng, cơ yếu và các ngành luật khác có liên quan... Từ đó, xây dựng kế hoạch sát đúng, tham mưu kịp thời với cấp ủy, người chỉ huy cấp có thẩm quyền, để xác định phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo và giải pháp triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.
Hai là, phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì của Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng tham mưu giúp Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, thiết chế xây dựng, bổ sung, sửa đổi pháp luật về quân sự, quốc phòng, cơ yếu và các ngành luật khác có liên quan. Để thực hiện tốt điều này, Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng chủ động tham mưu, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt trong tổ chức thực hiện từ khâu lập đề nghị, xây dựng chương trình, đến thực hiện ở từng cấp, phối hợp với Cục Điều tra hình sự, Cục thi hành án, tòa án quân sự các cấp, viện kiểm sát quân sự các cấp, các cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị, cơ quan pháp chế của các cơ quan, đơn vị thực hiện bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, không để tình trạng chậm, nợ đọng văn bản. Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng cần thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật bám sát thực tiễn, điều chỉnh kịp thời các quan hệ xã hội về quân sự, quốc phòng, cơ yếu và các ngành luật khác liên quan. Đồng thời, cần coi trọng nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; quy trình rà soát, và kịp thời đề xuất với cấp có thẩm quyền làm tốt công tác pháp điển hoá, hệ thống hóa, kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền bảo đảm chất lượng, thời gian theo kế hoạch.
Ba là, phát huy vai trò, chức năng của Cục Điều tra hình sự, Cục thi hành án, tòa án quân sự các cấp, viện kiểm sát quân sự các cấp, các cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị. Các cơ quan này cần làm tốt việc động viên cán bộ, nhân viên chủ động, tích cực phát hiện và đề xuất sáng kiến xây dựng luật mới hoặc bổ sung, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật hiện hành theo chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan. Khi có dự án luật, các cơ quan chuyên môn này cần tham gia ý kiến đóng góp đảm bảo tính khoa học, tính toàn diện, tính đồng bộ, tính phù hợp và tính thống nhất. Khi có vấn đề bất cập, các cơ quan chuyên môn này cần đề xuất, kiến nghị với Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng dự thảo lại dự án văn bản quy phạm pháp luật, hoặc đề xuất Bộ Quốc phòng bãi bỏ, huỷ thực hiện dự án luật mới, hoặc bổ sung, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng với yêu cầu thực tiễn hoạt động quân sự.
Thứ tư, đổi mới đào tạo, bồi dưỡng gắn với sử dụng đội ngũ cán bộ pháp chế, các nhà khoa học, nhà sư phạm.
Đây là giải pháp nhằm nâng cao vai trò lực lượng Quân đội tham mưu xây dựng pháp luật về quân sự, quốc phòng, cơ yếu và các ngành luật khác có liên quan. Bởi, năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ pháp chế, các nhà khoa học, nhà sư phạm và cán bộ chuyên môn trực tiếp quyết định đến hiệu quả xây dựng, bổ sung, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cần gắn với sử dụng đội ngũ cán bộ pháp chế, các nhà khoa học, nhà sư phạm và cán bộ chuyên môn. Theo đó, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp chế cần đúng quy trình và được tiến hành thường xuyên, kết hợp đào tạo kiến thức chuyên ngành về pháp luật ở các cơ sở đào tạo uy tín ở trong nước và quốc tế, với bồi dưỡng qua tập huấn, hướng dẫn trong ngành pháp chế; qua hình thức cấp trên dạy cấp dưới, cán bộ giàu kinh nghiệm bồi dưỡng cho cán bộ trẻ, ít kinh nghiệm, và thực hiện bồi dưỡng trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tập trung bồi dưỡng tri thức toàn diện, chú trọng nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực, thượng tôn pháp luật, nhất là với những đồng chí mới được điều động, bổ nhiệm; bồi dưỡng những mặt còn hạn chế cho những cán bộ đã làm nghiệp vụ chuyên môn lâu năm, để họ phát triển thêm về tư duy lý luận xây dựng pháp luật và kĩ năng trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, cần luôn coi trọng gắn kết chặt chẽ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp chế với sử dụng đội ngũ này đúng người, đúng việc, giúp họ phát huy tốt năng lực chuyên môn, sở trường trong thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, cần chú ý bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ gắn với sử dụng đội ngũ các nhà khoa học, nhà sư phạm, để bảo đảm phát huy tốt vai trò của lực lượng này tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quân sự, quốc phòng, cơ yếu và các ngành luật khác. Có cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích lực lượng này thường xuyên phát huy vai trò của mình trong thực tiễn công tác, nhất là, cần lắng nghe các sáng kiến, đề xuất, kiến nghị và các góp ý về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mà họ tham gia đóng góp ý kiến.
Thứ năm, thường xuyên kiện toàn đội ngũ cán bộ pháp chế tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Đây là giải pháp quan trọng, tác động trực tiếp đến nâng cao hiệu quả vai trò lực lượng Quân đội tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bởi vì, nếu không kiện toàn thường xuyên, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hoặc thừa cán bộ, hoặc có cán bộ nhưng không đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ. Do vậy, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan chức năng cần thường xuyên chăm lo củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ pháp chế, nhất là ở Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng, đảm bảo cho đội ngũ này đủ về số lượng, có chất lượng cao, có cơ cấu hợp lý cả về tuổi đời, trình độ, năng lực, kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ, cả về quân hàm, chức danh chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm tính liên tục và kế thừa. Ngoài ra, cần đề xuất cơ chế, chính sách hợp lý, để tạo điều kiện tốt nhất cho Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng, các cơ quan pháp chế ở cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, các cơ quan chuyên môn khác thường xuyên được tuyển chọn cán bộ chuyên môn theo nhu cầu và tính chất công việc, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc, bảo đảm cơ quan được tổ chức tinh, gọn, mạnh, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, là một trong những nội dung thuộc về chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng chuyên môn trong Quân đội. Vì vậy, để phát huy tốt kết quả đã đạt được trong nhiều năm qua, các cơ quan chuyên môn, đội ngũ cán bộ pháp chế, các nhà khoa học, nhà sư phạm giảng dạy nghiên cứu về nhà nước, pháp luật, cần nghiên cứu và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nêu trên, bảo đảm cho lực lượng Quân đội tham gia có hiệu quả, chất lượng vào việc tham mưu xây dựng pháp luật về quân sự, quốc phòng, cơ yếu, và các ngành luật liên quan, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.
Thiếu tướng, TS Lê Văn Hải
Chủ nhiệm Chính trị/HVQP