Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận, chuẩn bị và thực hiện việc chuyển giao thế hệ là vấn đề sống còn với tất cả các tổ chức Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị -xã hội hiện nay. Hơn 76 năm qua, sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của công tác cán bộ. Đảng, Nhà nước, Quân đội đã luôn quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ cán bộ kế cận để qua mỗi giai đoạn quan trọng của lịch sử cách mạng, việc chuyển giao thế hệ cán bộ lãnh đạo các cấp của Quân đội được thực hiện khách quan, khoa học và thông suốt, theo đúng quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong bản Di chúc của Người, sau khi căn dặn và nhấn mạnh những vấn đề về Đảng - với tư cách một Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên”. Bởi theo Người: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết. Quan điểm ấy của Hồ Chí Minh đã thể hiện rất rõ tư duy chuyển giao thế hệ. Tư duy chuẩn bị và chuyển giao thế hệ cách mạng cho thế hệ trẻ được Hồ Chí Minh rút ra từ lịch sử nhân loại, dân tộc; từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên của Người qua các thời kỳ cách mạng. Theo Người, tương lai của đất nước và dân tộc đặt trên vai các thế hệ thanh niên, thanh niên là lực lượng cách mạng hùng hậu, bộ phận quan trọng của dân tộc, lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của cha, anh. Hồ Chí Minh khẳng định: “Thanh niên là chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, phần lớn là do các thanh niên”. Điều này phản ánh một vấn đề có tính quy luật, đó là sự bàn giao thế hệ. Mỗi thế hệ chỉ có thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình trong một chặng đường cách mạng nhất định và phải được thế hệ sau tiếp bước. Tư tưởng này đã được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng.
Việc quán triệt tư tưởng về chuyển giao thế hệ trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được thể hiện rõ nhất trong chủ trương, phương hướng của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Trong các nghị quyết về công tác cán bộ của Quân ủy Trung ương và cấp ủy các cấp, đội ngũ sĩ quan trẻ luôn được coi là nguồn cán bộ kế cận cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam. Do vậy, đội ngũ này luôn được quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng cả về tri thức, phẩm chất và năng lực nhằm đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp trong Quân đội cũng đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc chuẩn bị thế hệ cán bộ kế cận, kế tiếp và vị trí, vai trò của việc chuyển giao thế hệ trong quá trình xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, các cấp đã tích cực triển khai nhiều nghị quyết, chỉ thị về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện sĩ quan trẻ với nhiều nội dung, hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, linh hoạt, sáng tạo và có hiệu quả cao. Nhờ đó, trên thực tế, đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội đều được đào tạo cơ bản tại các học viện, trường sĩ quan Quân đội; một số được đào tạo tại các nhà trường quân sự uy tín của quốc tế. Phần lớn, sĩ quan trẻ sau khi tốt nghiệp ra trường giữ các cương vị lãnh đạo, chỉ huy cấp phân đội đều đã phát huy được vai trò trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị; trở thành những cán bộ nguồn kế tiếp, kế cận cho các nhiệm kỳ tiếp theo.
Tuy nhiên, việc bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ sĩ quan trẻ với tư cách là thế hệ kế cận cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Quân đội vẫn chưa theo kịp sự vận động của thực tiễn xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại. Cấp ủy, cán bộ chủ trì một số đơn vị chưa thấm nhuần quan điểm về chuyển giao thế hệ, do đó, chưa thực sự quan tâm, dìu dắt, giúp đỡ, tạo điều kiện để sĩ quan trẻ được phấn đấu, rèn luyện trưởng thành. Các chính sách ưu đãi cán bộ Quân đội của Đảng, Nhà nước tuy đã được điều chỉnh nhưng chưa thực sự thu hút được những thanh niên ưu tú, những nhân tài, trí thức trẻ tham gia phục vụ lâu dài trong Quân đội và bổ sung nguồn lực cho các thế hệ kế cận. Điều này dẫn tới sự kết hợp giữa số lượng và chất lượng trong đội ngũ sĩ quan trẻ và cơ cấu trong nguồn lực sĩ quan trẻ còn có những bất cập. Số lượng sĩ quan trẻ được qua đào tạo khá dồi dào những lại thiếu hợp lý trong khâu bố trí, sử dụng. Một bộ phận sĩ quan trẻ thiếu ý chí phấn đấu vươn lên trong tự học tập, rèn luyện và công tác...
Từ thực trạng trên đây, có thể thấy, việc thực hiện phương hướng đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định về: “xây dựng Quân đội nhân dân, công an nhân nhân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đạiphấn đấu đến năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ hiện đại” phụ thuộc rất lớn vào chất lượng công tác cán bộ trong Quân đội những năm tới, trong đó vấn đề bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ kế cận từ đội ngũ sĩ quan trẻ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI nêu rõ: “Làm tốt việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sắp xếp và luân chuyển cán bộ giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ trì lãnh đạo, chỉ huy các cấp, bảo đảm về phẩm chất đạo đức, tiêu chuẩn chính trị và năng lực công tác. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bảo đảm sự liên thông, kế thừa, coi trọng bồi dưỡng tại chức cho cán bộ”. Chủ trương, phương hướng đó thể hiện rõ sự vận dụng tư duy chuyển giao thế hệ theo tinh thần Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, chuẩn bị thế hệ cán bộ Quân đội lớp kế cận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong giai đoạn hiện nay, quán triệt và vận dụng tư duy chuyển giao thế hệ theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ sĩ quan trẻ cần tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp trong Quân đội đối với việc bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ sĩ quan trẻ, chuẩn bị thế hệ kế cận.
Thực tế cho thấy, ở một số cơ quan, đơn vị còn có những cán bộ chủ trì còn biểu hiện tư tưởng công thần, cho nên ngoài miệng thì nói: ủng hộ lớp trẻ, ủng hộ thế hệ kế cận, nhưng trong thâm tâm chưa chắc đã thật sự muốn tre già, măng mọc. Do đó, đòi hỏi cấp ủy, đặc biệt là cán bộ chủ trì các cấp phải luôn luôn xác định tâm thế sẵn sàng hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình ở đơn vị để phát triển lên vị trí cao hơn, hoặc lui về hậu trường, để từ đó mở ra cơ hội cho một cuộc chuyển giao thế hệ cán bộ tại cơ quan, đơn vị mình. Trên cơ sở tâm thế đó, cán bộ chủ trì đơn vị sẽ hết lòng, hết sức bồi dưỡng, rèn luyện sĩ quan trẻ trưởng thành, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Do đó, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ kế cận cho thế hệ sau, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chính trị và bản thân cán bộ chủ trì. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành công tác cán bộ ở đơn vị cần thấm nhuần những chỉ dẫn của chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Quán triệt các quan điểm của Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, sĩ quan trẻ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác đào tạo sĩ quan; quan tâm, chăm lo thực hiện các chế độ, chính sách nhằm thu hút, trọng dụng nhân tài, trí thức trẻ chuyển thành sĩ quan phục vụ lâu dài trong Quân đội.
Để đội ngũ sĩ quan trẻ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực sự trở thành nguồn kế cận của cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược, điều tiên quyết là họ phải được đào tạo bài bản ở các học viện, trường sĩ quan quân đội. Theo đó, các học viện, trường sĩ quan Quân đội cần nhanh chóng thực hiện tốt chủ trương xây dựng mô hình nhà trường thông minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; tích cực đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy theo mục tiêu đào tạo những sĩ quan trẻ đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại trong những năm tới; thực hiện phương châm chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Tập trung trang bị cho học viên sĩ quan những tri thức càn thiết về chính trị, quân sự, khoa học kỹ thuật, kỹ năng, kỹ sảo trong sử dụng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật; rèn luyện sức khỏe, bản lĩnh chịu đựng khó khăn, gian khổ, sự khốc liệt của chiến tranh theo yêu cầu nhiệm vụ của từng quân chủng, binh chủng. Bên cạnh đó, cần trang bị, rèn luyện cho học viên ngay từ khi học tập tại Trường những kiến thức, kỹ năng, nghệ thuật lãnh đạo, quản lý, chỉ huy để làm cơ sở cho quá trình công tác trên cương vị, chức trách sau này. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần có những đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách nhằm thu hút nhân tài vào phục vụ lâu dài trong Quân đội, tạo nguồn phong phú, dồi dào để xây dựng đội ngũ sĩ quan trẻ. Các chế độ, chính sách đãi ngộ phải tương xứng, thỏa đáng với tính chất lao động đặc biệt trong Quân đội, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cuộc sống cho bản thân sĩ quan trẻ và gia đình đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước. Đây là cơ sở để sĩ quan trẻ yên tâm, gắn bó với Quân đội và ra sức phấn đấu trưởng thành.
Ba là, làm tốt công tác đánh giá, quy hoạch; trọng dụng, bổ nhiệm sĩ quan trẻ có phẩm chất, năng lực vào các chức danh quan trọng.
Thực hiện công tác đánh giá, quy hoạch cán bộ đối với đội ngũ sĩ quan trẻ cần nắm vững quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”7. Cấp ủy các đơn vị cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh cán bộ chủ trì các cấp để sĩ quan trẻ nắm vững và xác định mục tiêu phấn đấu; xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh, theo hiệu quả công việc và sự tín nhiệm của tập thể đơn vị đối với sĩ qun trẻ. Thông qua đánh giá cán bộ, để tìm được những người tài trong đội ngũ sĩ quan trẻ và đưa họ vào nguồn kế cận, kế tiếp cho những vị trí công tác xứng đáng để phát huy được năng lực, sở trường của họ. Cần mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp; để tạo tiền đề cho họ trở thành nguồn kế cận, kế tiếp cho các chức danh cao hơn. Việc quy hoạch phải thực sự công tâm, khách quan, đúng người, đúng việc, tạo động lực phấn đấu cho sĩ quan trẻ.
Bốn là, tích cực bồi dưỡng lý tưởng, khát vọng và đào tạo, rèn luyện kỹ năng cho sĩ quan trẻ các đơn vị.
Nhiệm vụ xây dựng Quân đội tiến lên chính quy, hiện đại ngày càng đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ sĩ quan trẻ có bản lĩnh, tài năng và giàu lòng nhiệt huyết. Điều đó đặt ra yêu cầu khách quan phải làm tốt việc bồi dưỡng khát vọng, lý tưởng; đào tạo, rèn luyện kỹ năng cho sĩ quan trẻ hiện nay. Các đơn vị cần xây dựng và đang triển khai một chương trình hết sức quy mô và khoa học để bồi dưỡng khát vọng, lý tưởng, rèn luyện kỹ năng cho sĩ quan trẻ. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào: Kiên định mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân... Chương trình phải kết hợp được truyền thống và hiện đại, tính khoa học và tính hấp dẫn, phù hợp với tâm, sinh lý của tuổi trẻ; được các chuyên gia có kinh nghiệm trong và ngoài nước xây dựng và trực tiếp giảng dạy.
Về đào tạo, rèn luyện kỹ năng cho sĩ quan trẻ, các đơn vị quân đội nên hướng nhiều vào đào tạo kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng thuyết trình và bảo vệ ý tưởng đi đôi với kỹ năng phản biện. Để có thể đảm nhiệm các chức vụ công tác lãnh đạo, quản lý hoặc được tạo nguồn kế cận cho các thế hệ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm, sĩ quan trẻ cũng cần được đào tạo thêm về: kỹ năng lãnh đạo, quản lý... những kỹ năng này quyết định kết quả hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người.
Đại tá, TS Đinh Quốc Triệu
Chủ nhiệm Chính trị/Trường Sĩ quan Chính trị