Quán triệt sâu sắc nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thời gian qua, các đảng ủy nhà trường Quân đội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác xây dựng kế hoạch, quy hoạch đội ngũ giảng viên; xây dựng tiêu chuẩn các chức danh gắn với xây dựng đội ngũ nhà giáo; thường xuyên làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên. Đến nay, đội ngũ giảng viên ở các nhà trường Quân đội cơ bản đủ về số lượng, có chất lượng tốt, cơ cấu phù hợp, được đào tạo, bồi dưỡng đúng chuyên ngành, cương vị công tác. Đội ngũ giảng viên có trình độ sau đại học ngày càng tăng; có phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực tốt, tác phong làm việc khoa học, cụ thể, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, công tác xây dựng đội ngũ giảng viên ở các nhà trường Quân đội thời gian qua còn có những hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ Quân đội trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: “Một số nội dung, chương trình huấn luyện, đào tạo ở nhà trường chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị; chất lượng dạy, học ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập và làm việc trong môi trường quốc tế”1. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trong đổi mới giáo dục, đào tạo được Đảng ta khẳng định: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trên một số mặt vẫn còn bất cập về chất lượng, số lượng, cơ cấu và chính sách đãi ngộ”2. “Chưa phát huy hết vai trò của đội ngũ nhà giáo; chưa đào tạo, bồi dưỡng và phát huy hết tiềm năng của đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành”3. Để thực hiện hiệu quả công tác xây dựng đội ngũ giảng viên ở các nhà trường Quân đội theo tinh thần nghị quyết Đại Hội XIII của Đảng: “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu theo chốt”4; đồng thời, thực hiện phương châm Chất lượng huấn luyện của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong các nhà trường Quân đội đối với xây dựng đội ngũ giảng viên.
Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong các nhà trường Quân đội cần thường xuyên quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 29 (Khóa XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nghị quyết của các đảng ủy nhà trường. Trên cơ sở đó, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các lực lượng về vị trí, vai trò của đội ngũ giảng viên đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Quân đội. Đội ngũ giảng viên giữ vai trò quyết định chất lượng giảng dạy, là người trực tiếp truyền thụ kiến thức và bồi dưỡng cho học viên về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, trang bị kinh nghiệm trong hoạt động quân sự, kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ huy và tay nghề chuyên môn gắn với mô hình, mục tiêu đào tạo. Xây dựng cho học viên thế giới quan khoa học, niềm tin cộng sản chủ nghĩa, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Nhà nước, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Xây dựng cho học viên bản lĩnh chính trị, chăm lo phát triển toàn diện cả về phẩm chất, năng lực theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo, đảm bảo hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ sau khi ra trường. Đội ngũ giảng viên ở các nhà trường Quân đội là lực lượng chủ yếu, trực tiếp nghiên cứu phát triển khoa học xã hội nhân văn, khoa học quân sự của Quân đội và quốc gia. Lực lượng trực tiếp, nòng cốt tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và là những tấm gương mẫu mực về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, phương pháp, tác phong công tác để cho học viên học tập, noi theo.
Cần nhận thức đúng đắn, sâu sắc việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các nhà trường Quân đội hiện nay phải bắt đầu từ xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong các nhà trường Quân đội cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng, cơ cấu, đặc biệt nâng cao về chất lượng; tạo môi trường điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giảng viên phát huy hết tâm huyết, tiềm năng sáng tạo trong quá trình đổi mới giáo dục, đào tạo.
Hai là, làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, tuyển chọn đội ngũ giảng viên.
Công tác quy hoạch, tạo nguồn, tuyển chọn đội ngũ giảng viên là một nội dung trọng yếu, quyết định đến chất lượng của đội ngũ giảng viên và chất lượng giáo dục và đào tạo ở các nhà trường Quân đội. Trên cơ sở chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong Quân đội, tiêu chí chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo Quân đội, đặc biệt là quan điểm của Quân ủy Trung ương: “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ tương xứng với công việc, ngành đào tạo; thực hiện tốt bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học qua thực tiễn; có chính sách thu hút nhân tài về các học viện, nhà trường công tác”5, các nhà trường Quân đội cần cụ thể hóa, xây dựng quy hoạch, tạo nguồn, tuyển chọn đội ngũ giảng viên cho phù hợp. Công tác quy hoạch giảng viên cần xác định rõ mục tiêu; cơ cấu, chất lượng, độ tuổi, trình độ học vấn; ngành nghề chuyên môn; xác định đúng tiêu chuẩn chức danh làm cơ sở đánh giá, lựa chọn đúng để đưa vào quy hoạch và đào tạo theo tiêu chuẩn. Quy hoạch giảng viên cần bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của trên; nhiệm vụ chính trị của các nhà trường và thực trạng đội ngũ giảng viên hiện có. Xác định rõ phạm vi và đối tượng quy hoạch gồm: quy hoạch tổng thể đội ngũ giảng viên, quy hoạch cán bộ bộ môn, khoa. Các chức danh trong quy hoạch phải được xác định rõ ràng. Gắn quy hoạch với các khâu trong công tác cán bộ như: xác định tiêu chuẩn, đánh giá, tuyển chọn, sử dụng, quản lý và chính sách đãi ngộ. Khắc phục biểu hiện công tác quy hoạch, tạo nguồn, tuyển chọn đội ngũ giảng viên quá thiên về chính sách, không quan tâm đúng mức đến trình độ năng lực, hoặc bố trí đi học, bồi dưỡng trái ngành, trái nghề, không sát nguyện vọng dẫn đến hiệu quả không cao. Làm tốt công tác rút kinh nghiệm trong tổ chức, thực hiện, điều chỉnh, bổ sung kịp thời kế hoạch quy hoạch, tạo nguồn, tuyển chọn đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo. Căn cứ vào yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của từng khoa để tiến hành quy hoạch, tạo nguồn, tuyển chọn đội ngũ giảng viên cho phù hợp với khả năng, năng lực chuyên môn của từng người.
Ba là, thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, trình độ, năng lực cho đội ngũ giảng viên.
Quán triệt quan điểm Đại hội XIII của Đảng về “Chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục”6. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy ở các nhà trường Quân đội cần chú trọng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất, trình độ, năng lực, phương pháp tác phong công tác cho đội ngũ giảng viên.
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên phải toàn diện, thiết thực, phù hợp; chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức và kiến thức, cả lý luận và thực tiễn; kỹ năng sư phạm, nghiên cứu khoa học, cả về năng lực chỉ huy, quản lý, điều hành, kinh nghiệm, trình độ tổ chức thực tiễn; bồi dưỡng cập nhật kiến thức và hướng dẫn kĩ năng thực hành. Cùng với việc đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối chính trị, quân sự của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các kiến thức về quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, quản lý kinh tế, công tác xây dựng Đảng, về tổ chức, cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, công tác tư tưởng và công tác vận động quần chúng. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ giảng viên. Động viên và tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên tích cực, chủ động tự học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong việc đào tạo bồi dưỡng cần đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng những giảng viên có phẩm chất, năng lực, chuyên môn nghiệp vụ giỏi, uy tín cao trở thành cán bộ chủ trì, nhà giáo, chuyên gia đầu ngành của các nhà trường Quân đội.
Để thực hiện chủ trương đó, cần vận dụng linh hoạt các hình thức đào tạo, bồi dưỡng: Kết hợp đào tạo tại trường với đào tạo, bồi dưỡng của cấp uỷ, cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, thông qua việc sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ, giảng viên; thông qua việc rèn luyện trong thực tiễn công tác tại các trường. Chú trọng khâu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên thông qua đi thực tế; gửi cán bộ, giảng viên đi đào tạo ở các trường của Quân đội và quốc gia. Kết hợp chặt chẽ với bồi dưỡng qua thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu của từng giảng viên, đồng thời tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học và thông tin khoa học. Thực hiện chặt chẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng với công tác chính sách để động viên tinh thần và tạo điều kiện về vật chất cho giảng viên yên tâm học tập. Có chính sách thỏa đáng trong xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ sau đại học, bảo đảm tính vững chắc trong hình thành lớp chuyên gia đầu ngành.
Bốn là, thực hiện tốt công tác đánh giá, luân chuyển, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, giảng viên.
Đánh giá, luân chuyển, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, giảng viên là một chủ trương rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng nhằm bảo đảm thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, giảng viên; tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên có triển vọng, trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho các nhà trường Quân đội. Để công đánh giá, luân chuyển, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, giảng viên đạt kết quả, mục tiêu đề ra trong quá trình thực hiện phải bảo đảm các yêu cầu sau:
Cấp ủy, chỉ huy các cấp ở các nhà trường Quân đội quán triệt và thực hiện nghiêm quy chế công tác cán bộ trong đánh giá, luân chuyển, sử dụng cán bộ, giảng viên. Trước khi quyết định về đánh giá cán bộ, giảng viên, cấp uỷ và cơ quan có trách nhiệm cần tham khảo ý kiến của các tổ chức, lực lượng liên quan, phù hợp với từng đối tượng. Đánh giá phải căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ, giảng viên; chất lượng hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ; mức độ tín nhiệm của tập thể nơi công tác và nhân dân nơi cán bộ sinh sống. Việc đánh giá phải trên cơ sở thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình; theo nguyên tắc tập thể, dân chủ, công khai, kết luận theo đa số. Thực tế cho thấy, chỉ có đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của cán bộ, giảng viên mới làm cơ cở cho việc tuyển chọn, quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển đối với cán bộ, giảng viên một cách chính xác, khách quan. Ngược lại, nếu nhận xét, đánh giá chủ quan, thiên lệch, không đúng phẩm chất, năng lực cán bộ, giảng viên sẽ dẫn đến bố trí, sử dụng không đúng và dẫn đến hậu quả khôn lường, nhất là bố trí sai đối với cán bộ chủ chốt, người đứng đầu.
Bố trí, sử dụng cán bộ, giảng viên: phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn, phù hợp với khả năng, sở trường. Khi đề bạt cán bộ, giảng viên vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các tổ chức trong các nhà trường phải đúng người, đúng việc. Hằng năm, căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, giảng viên và yêu cầu công tác để xem xét quyết định có để cán bộ đó tiếp tục đảm nhiệm chức vụ nữa hay không. Việc bổ nhiệm và miễn nhiệm những cán bộ, giảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy phải thực hiện đúng hướng dẫn của Tổng cục Chính trị. Trong luân chuyển cán bộ, giảng viên: phải gắn với quy hoạch cán bộ để đào tạo, rèn luyện, phát triển cán bộ, tạo điều kiện để nâng cao trình độ, khả năng cho cán bộ, giảng viên thuộc diện quy hoạch đáp ứng đầy đủ hơn yêu cầu đối với vị trí, chức danh quy hoạch. Luân chuyển cán bộ phải phù hợp với vị trí, chức danh mà cán bộ, giảng viên được quy hoạch có thể được bổ nhiệm trong tương lai, đáp ứng yêu cầu, chức trách nhiệm vụ được giao. Kiên quyết không luân chuyển cán bộ giảng viên không đáp ứng đúng, đủ các tiêu chí.
Thượng tá, TS Nguyễn Quang Chung
Phó Chủ nhiệm Khoa CTĐ, CTCT/Trường Sĩ quan Lục quân 1