Tác giả: Guy Martin, Johannesburg

Phóng đạn tuần kích Switchblade 300

Trong khi nhiều quốc gia đang theo đuổi vũ khí siêu thanh với mục tiêu đạt được tốc độ cao hơn, thì thế giới cũng đang chứng kiến ​​​​sự gia tăng những ý kiến trái chiều về những loại vũ khí tuần kích có chi phí thấp, nhưng chính nhờ vào sự chậm chạp của chúng lại mang đến hiệu quả.

Chiến tranh Na-gô-nưi Ka-ra-bắc năm 2020 giữa Ác-mê-ni-a và A-déc-bai-zan, tiếp theo là cuộc xung đột quân sự Nga – Ucraina vào năm ngoái đã chính thức đưa loại đạn tuần kích, hay còn gọi là máy bay không người lái cảm tử kamikaze, vào danh sách các loại vũ khí. Trong cuộc xung đột Na-gô-nưi Ka-ra-bắc, A-déc-bai-zan đã sử dụng 2 loại đạn tuần kích là Harop của Hãng Aerospace Industries và StryStriker của Hãng Elbit của Israel làm suy yếu hệ thống phòng không của Armenia, giúp họ dễ dàng tấn công các mục tiêu mặt đất hơn.

Tại Ukraina, cả hai bên, đặc biệt là Nga đều sử dụng đạn tuần kích. Nhà sản xuất chính đạn tuần kích của Nga là Tập đoàn ZALA Aero. Tập đoàn này đã cho ra mắt loại đạn KYB UAV, còn được gọi là KUB-BLA (Cube) vào năm 2019. Loại đạn bay bằng cánh quạt này có thể được sử dụng để giám sát cũng như tấn công. Nó mang đầu đạn nặng 3kg, tầm hoạt động 40km và thời gian hoạt động là 30 phút.

Được sử dụng rộng rãi hơn ở Ukraina là đạn tuần kích Lancet. Đây là biến thể phát triển dựa trên loại KUB-BLA. Lancet cũng được ra mắt vào năm 2019 và có hai biến thể chính: Lancet-1 nặng 5kg với thời gian hoạt động 30 phút và Lancet-3 nặng 12kg với thời gian hoạt động 40 phút. Lancet được thiết kế để tự động xác định vị trí và tấn công các mục tiêu và được lực lượng đặc biệt Nga sử dụng thành công ở Syria vào năm 2021. Chúng đã đạt tới con số hơn 100 lần bắn trúng mục tiêu ở Ukraina, chủ yếu là tấn công trận địa pháo binh (với tỷ lệ trượt mục tiêu ít nhất 15%).

Sự phụ thuộc quá mức vào các loại vũ khí tuần kích là do đội trực thăng tấn công của Nga đã chịu tổn thất đáng kể và hiện gần như hoàn toàn không thể cất cánh. Do nguồn vũ khí sản xuất trong nước thiếu hụt, Nga đã mua của Iran hàng trăm máy bay không người lái (UAV), bao gồm cả đạn tuần kích Shahed-131/136 (Geran-1/2 trong biên chế của Nga). Loại bom này đã được chứng minh tính hiệu quả, đặc biệt là để phá hủy cơ sở hạ tầng. Đạn tuần kích Shahed-136 nặng 200kg phóng bằng đường ray có tầm bắn hơn 2.000 km mang theo đầu đạn nặng 50kg, gấp đôi khoảng cách của tên lửa Shahed-131 tương tự nhưng nhỏ hơn. Động cơ piston của nó cho tốc độ tối đa hơn 180km/h. Nó được dẫn đường bằng hệ thống dẫn đường quán tính (INS), GPS và Glonass, khiến cho việc gây nhiễu trở nên khó khăn.

Ukraina đang tự phát triển các loại đạn tuần kích cho riêng mình, bao gồm loại RAM II phóng từ máy phóng, được gắn đầu đạn xuyên giáp hoặc nhiệt áp và có tầm bắn 30 km, và đạn ST-35 Silent Thunder trang bị đa động cơ cánh quạt, gắn đầu đạn xuyên giáp và thời gian bay 60 phút trong phạm vi 30 km. Hãng One Way Aerospace đang sản xuất hàng loạt đạn tuần kích Scalpel dòng cánh quạt cho quân đội Ukraina, có thể mang đầu đạn nặng 1 đến 3,5kg, bao gồm cả đầu đạn chống tăng RPG. Scapel có giá dao động từ 1.000-2.200 USD, công ty cho biết mức giá này rẻ hơn 20 lần so với các sản phẩm tương đương của Mỹ. Vì chúng là loại đạn cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) nên không cần ống phóng hoặc đường ray. Hãng One Way Aerospace cũng đang cho xuất khẩu sản phẩm của mình và nghiên cứu thiết kế một loạt đạn tuần kích cánh cố định tầm xa.

Khi Ukraina sử dụng khoảng 10.000 máy bay không người lái mỗi tháng, bao gồm cả đạn tuần kích, họ thậm chí còn cải biến máy bay không người lái tùy biến có người điều khiển (FIRST-PERSON-VIEW racing drones; chưa có thuật ngữ tiếng Việt tương đương – Trang 31/dòng 2/đoạn văn 2) thành vũ khí cảm tử. Hiện tại, Ukraina phụ thuộc vào hàng trăm hệ thống vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp, đặc biệt là đạn tuần kích Switchblade của Hãng AeroVironment. Switchblade có hai phiên bản phóng bằng ống phóng; mẫu 2,5 g 300 có tầm bắn 10km và thời gian bay 15 phút và không có khảng năng xuyên giáp. Mẫu 600 có tầm bắn 40km và thời gian tuần kích là 50 phút, trọng lượng 55kg và có khả năng xuyên giáp. Binh sĩ có thể phát hiện mục tiêu bằng cách sử dụng camera quang điện và hồng ngoại. Cả hai mẫu Switchblade đều đã được cung cấp cho Ukraina và đưa vào thực chiến. Được giao từ cuối năm 2022, đạn Switchblade 600 được ưa chuộng vì đầu đạn có khả năng xuyên giáp, trong khi lực lượng Hoa Kỳ nhận thấy Switchblade 300 nhẹ hơn lại hiệu quả trong tác chiến chống lại lực lượng Taliban ở Afghanistan.

Hoa Kỳ đã cung cấp cho Kiev hơn 1.000 quả đạn tuần kích Phoenix Ghost do Hãng Aevex Aerospace chế tạo có tính năng tương tự như Switchblade, cũng như các loại đạn Altius-600M của Hãng Anduril Industries. Ukraina cũng đã nhận loại đạn tuần kích Warmate từ Tập đoàn WB của Ba Lan và D40 do Hãng DefendTex, Australia chế tạo.

Khi xét đến số lượng xe bọc thép đáng kể trên chiến trường ở Ukraina, thì khả năng đạn tuần kích sử dụng để tiêu diệt các đoàn xe từ khoảng cách an toàn là một đặc tính có giá trị. Giá thành thấp của chúng cũng là một điểm cộng. So với tên lửa hành trình và tên lửa dẫn đường chống tăng, các loại đạn như Switchblade rẻ hơn đáng kể, chỉ 6.000 USD/quả cho dòng 300. Đơn cử, một hệ thống tên lửa Javelin có giá khoảng 176.000 USD và tên lửa Hellfire có giá 150.000 USD.

Mặc dù kém phức tạp hơn nhiều so với tên lửa hành trình và vũ khí siêu thanh tốn nhiều giấy mực,  nhưng đạn tuần kích đang tạo ra nhiều tác động hơn trên chiến trường. Chúng cho phép những người lính bình thường cũng có thể tiếp cận được với các loại đạn dẫn đường, khiến cho hoạt động giám sát trên không và bắn phá chính xác có thể thực hiện ở cấp tiểu đội. Các khẩu đội nhỏ cũng có thể đóng vai trò như lực lượng pháo binh, nhưng lại cơ động và khó bị phát hiện hơn.

Đạn tuần kích Warmate bắn trúng mục tiêu

Đạn tuần kích cũng có tác động sâu sắc đến các hệ thống phòng không. Đối với những quân đội không sở hữu máy bay tàng hình, chúng là một giải pháp hợp lý để giành ưu thế trên không, đặc biệt là khi tác chiến theo dạng bày đàn. Vì các loại đạn tuần kích thường có kích thước nhỏ, tiết diện phản xạ radar và tín hiệu hồng ngoại thấp nên rất khó bị phát hiện và việc sử dụng các hệ thống phòng không thông thường như tên lửa để tiêu diệt chúng vừa tốn kém vừa khó khăn.

Khi đã thu hút được sự quan tâm, khách hàng đang tìm kiếm các hệ thống đạn tuần kích có uy lực tác chiến mạnh hơn, đầu đạn lớn hơn và phạm vi hoạt động xa hơn mà vẫn dễ dàng sử dụng, được tích hợp đầu đạn dạng mô-đun cũng như có khả năng ‘tương tác hợp tác’ hoặc khả năng tác chiến bày đàn. Mặt khác, các loại đạn tuần kích cánh quạt cất và hạ cánh thẳng đứng với già thành rẻ hơn và trọng lượng nhẹ hơn đang ngày càng trở nên phổ biến. Trọng lượng cất cánh tối đa trung bình của tất cả các loại đạn tuần kích ra mắt vào năm 2022 là 16kg, bằng một nửa so với các loại vũ khí tương tự được ra mắt một thập kỷ trước đó, một phần là do chúng chuyển sang sử dụng động cơ điện và các thiết bị điện tử thu nhỏ.

Khả năng phóng từ các bệ phóng có người điều khiển và không người điều khiển là một xu hướng mới nổi khác. Nhiều phương tiện bọc thép đang được trang bị ống phóng đạn tuần kích. Các tàu và máy bay cũng như các phương tiện mặt đất không người lái cũng mang theo loại đạn này ngày càng nhiều hơn.

Phóng đạn tuần kích AeroVironment Switchblade 300

Tuy nhiên, các nhà sản xuất luôn phải cân nhắc tới việc không chế tạo các loại bom, đạn tuần kích quá lớn, phức tạp và đắt tiền, để không đánh mất đi sức hấp dẫn về giá thành của chúng. Uy lực của các loại đạn tuần kích sẽ bị hạn chế do cần phải giữ chi phí sản xuất ở mức tối thiểu, và phải được đặt trong phân khúc ở giữa pháo binh và tên lửa.

Đạn tuần kích đang trở thành một loại vũ khí ngày càng quan trọng trong kho vũ khí quân sự, mặc dù, nhìn chung chúng quá nhỏ và tầm bắn ngắn nên thật sự không thể quyết định cục diện của một cuộc xung đột. Thật vậy, chúng có nhiều hạn chế, chẳng hạn như phạm vi hoạt động và tải trọng nhỏ. Tác chiến trong không phận bị gây nhiễu hoặc có mồi nhử là một trở ngại đáng kể và thêm một thách thức khác nữa là sự phổ biến ngày càng tăng của các hệ thống chống UAV. Hơn nữa, vũ khí tự động hoàn toàn đặt ra câu hỏi liên quan đến luật xung đột vũ trang, trong khi trí tuệ nhân tạo và khả năng tự hành mà nhiều loại vũ khí tuần kích dựa vào có thể gây ra các lỗi và các sự cố bắn nhầm.

Tuy nhiên, thị trường đạn tuần kích đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt khi cuộc xung đột ở Ukraina chứng tỏ tính hiệu quả của chúng. Các nhà sản xuất từ ​​Sudan đến Nam Phi và Serbia đang sẵn sàng cung cấp các hệ thống; chỉ riêng trong năm 2021 và 2022, số lượng các thiết kế đạn tuần kích mới đã nhiều hơn hẳn số lượng của cả nửa thế kỷ trước gộp lại. Hơn 120 công ty ở 30 quốc gia đang phát triển hoặc sản xuất bom, đạn tuần kích. Đặc biệt, Châu Á-Thái Bình Dương là khu đang dẫn đầu về tăng trưởng của thị trường, với gần 40% tổng số mẫu đạn mới trong 5 năm qua được sản xuất từ khu vực này.

Nước Úc

Úc đang tiến hành nhiều hơn một dự án chế tạo đạn tuần kích. Ví dụ, Hãng SME Innovaero và BAE Systems Australia đang phát triển đạn tuần kích Owl chạy bằng điện nặng 30kg với phạm vi hoạt động từ 100 đến 200km. Loại đạn này được dẫn đường bằng camera quang điện/hồng ngoại (EO/IR) và mang theo đầu đạn nặng 7kg. Một nguyên mẫu sản xuất sẽ được giới thiệu vào cuối năm 2023. Hãng DefendTex đã sản xuất loại đạn tuần kích Drone40, nó đã được Lực lượng Phòng vệ New Zealand đánh giá thử nghiệm và được quân đội Anh đưa vào biên chế. Loại đạn phóng bằng tay hoặc bằng ống phóng này có tầm bắn 20km và thời gian bay 30 đến 60 phút. Tùy chọn đầu đạn bao gồm lựu đạn 40 mm.

Trung Quốc

Trung Quốc đã mua vũ khí tuần kích chống bức xạ Harpy của Israel vào những năm 1990, rồi dường như sản xuất ra phiên bản sao chép với tên gọi ASN-301. Hiện quốc gia này  sản xuất nhiều loại đạn tuần kích của riêng mình: Ví dụ, vài năm trước, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) đã trình làng loại đạn có cánh CH-806 mang đầu đạn năng 18kg. Động cơ piston cho tốc độ tối đa 180km/h và tầm hoạt động 1.000km trong 12 giờ. Việc phóng được thực hiện bằng máy phóng và phạm vi kiểm soát là hơn 200 km. Người vận hành có thể sử dụng máy ảnh và radar khẩu độ tổng hợp được tích hợp trên đạn để điều khiển, mặc dù đạn có thể tự động tấn công mục tiêu.

Các loại vũ khí tuần kích khác của Trung Quốc bao gồm máy bay dạng cánh quạt không người lái siêu nhỏ  CASC CH-187, mặc dù chúng được thiết kế để giám sát nhưng có thể được trang bị đầu đạn nhỏ gây sát thương; và loại WS-43, có trọng lượng 200kg với tầm bắn 60km và thời gian hoạt động 30 phút, có thể phóng từ bệ phóng tên lửa. Hãng Norinco cung cấp dòng Cruise Dragon với tầm bắn từ 10 tới 300km, trong khi CASC năm 2018 đã trình làng đạn tuần kích FH-901, loại này được phóng từ hộp dài 1,2 mét với tốc độ tối đa 150km/h, tầm bắn 15km và thời gian hoạt động 2 giờ. Nó có thể được trang bị đầu đạn phân mảnh hoặc lõm (shaped-charge) có khả năng xuyên giáp 10 cm.

Ấn Độ

Ấn Độ đang nỗ lực hết sức để có được đạn tuần kích và quân đội nước này đã sử dụng một cơ số lớn (hơn 150 quả) đạn tuần kích Harop/P-4 và Warmate. Vào tháng 9 năm 2021, Quân đội Ấn Độ đã đặt mua 100 quả đạn SkyStriker từ liên doanh Elbit Systems/Alpha Design Technologies Limited. SkyStriker cánh cố định có tầm bắn 400km và đầu đạn nặng 5kg.

Cũng trong tháng 9 năm 2021, công ty NewSpace Research and Technologies của Ấn Độ đã ký một hợp đồng với Lục quân chế tạo trong nước 100 máy bay không người lái có khả năng tìm kiếm, theo dõi và tấn công mục tiêu bằng đầu đạn 5/10kg. Những máy bay cánh quạt này đã được giao vào tháng 3 năm 2023.

Một hợp đồng khác của Lục quân Ấn Độ đã được trao cho Hãng Solar Industries trong năm nay để thiết kế và chế tạo 450 quả đạn pháo Nagastra-1. Loại đạn tuần kích cánh cố định này có tầm bắn 15km và đầu đạn nặng 1,5kg. Để tăng cường cho lực lượng pháo binh của mình, Lục quân Ấn Độ đang thực hiện dự án Hệ thống tiêu diệt chính xác tầm trung nhằm mục đích chế tạo một loại máy bay không người lái cảm tử có tầm hoạt động 40km và thời gian hoạt động trong 2 giờ mang theo đầu đạn nặng 8kg. Dự án đã được phê duyệt vào tháng 11 năm 2022.

Trong khi đó, Lực lượng Không quân Ấn Độ vừa nhận lô đầu tiên trong số 100 quả đạn tuần kích cất và hạ cánh thẳng đứng ALS-50 do Hãng Tata Advanced Systems Limited chế tạo. Loại đạn này đạt tốc độ 100km/h, thời gian bay hơn một giờ và tầm hoạt động hơn 50km. Nó có thể mang nhiều loại đầu đạn sát thương và chống tăng nặng tới 6kg. Nó được trang bị camera quang điện và hồng ngoại.

Có ít nhất nửa tá công ty Ấn Độ khác đang phát triển các loại vũ khí tuần kích (hầu hết là loại nhỏ) khi Ấn Độ tăng cường mua sắm những loại vũ khí này. Lục quân và Không quân Ấn Độ đã yêu cầu mua hàng trăm loại đạn tuần kích, bao gồm cả loại được vận chuyển trên xe bọc thép. Tuy nhiên, nước láng giềng Pakistan hầu như không theo đuổi trang bị vũ khí tuần kích và được cho là chưa đưa bất kỳ loại vũ khí tuần kích nào vào sử dụng, mặc dù hai công ty (Integrated Dynamics và CavalAir Aerospace and Defense) đã phát triển nhiều loại vũ khí tuần kích cánh quạt và cánh cố định.

Đài Loan

Đài Loan có nhu cầu trang bị UAV rất mạnh, và điều này còn mở rộng sang cả việc mua sắm vũ khí tuần kích. Loại quan trọng nhất mà Đài Loan sở hữu là đạn tuần kích chống bức xạ Chien Hsiang, do Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Trung Sơn (NCSIST) phát triển. Nó có thể được phóng từ một khẩu đội gồm 12 quả gắn trên xe tải hoặc từ tàu chiến. Loại vũ khí này có tầm bắn 1.000km và có thời gian hoạt động 5 giờ. Nó được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2017; Hơn 100 quả loại này đang được sản xuất.

Ở quy mô nhỏ hơn, vào tháng 3/2023, NCSIST đã tiết lộ loại đạn tuần kích đầu tiên của mình, có thời gian hoạt động trong 15 phút và tầm bắn 10km, được dẫn đường bằng camera quang điện/hồng ngoại và mang theo đầu đạn đương lượng nổ cao. NCSIST đang nghiên cứu các phiên bản lớn hơn với phạm vi hoạt động xa hơn. Loại đạn mới này có thể được đưa vào sản xuất hàng loạt vào năm 2024.

Kết luận

Việc sản xuất đạn tuần kích của Đài Loan và các thương vụ mua sắm sắp tới của các quốc gia như Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi thị trường đạn thuộc loại này, tăng từ hơn 1 tỷ USD hiện nay lên 2 tỷ USD vào cuối thập kỷ này. Vì giá thành tương đối rẻ và dễ tiếp cận nên đạn tuần kích đang hiện diện trên khắp các chiến trường toàn cầu, trở thành một thứ vũ khí thiết yếu trong kho vũ khí quân sự cùng với các hệ thống phòng không và chống tăng mang vác được. Có lẽ đỉnh điểm dẫn tới việc quan tâm mua sắm đạn tuần kích chính là thực tế những gì đang diễn ra ở Ukraina, các loại đạn tuần kích giá rẻ do Iran sản xuất đã gây ra thiệt hại lớn hơn nhiều so với các loại vũ khí siêu thanh đắt tiền mà Nga đã bắn.

Nguồn: T/c “APDR”, số tháng 6/2023

   Người dịch: Đại tá Đinh Thanh Hoàng

    Giảng viên Ngoại ngữ/K.Trinh Sát