Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ đang “chịu sức ép” phải hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.

Phát biểu tại một sự kiện mới đây do Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) tổ chức, ông Ely Ratner, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho biết, các đối thủ của Mỹ đang “mở rộng đáng kể” kho vũ khí hạt nhân của họ. Ông Ratner nhấn mạnh, Lầu Năm Góc vẫn đang theo dõi sát sao những xu hướng này, cùng với đó là “triển khai một số nỗ lực khác nhau”.

Một nỗ lực không thể không nhắc đến chính là đầu tư vào việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, xem đây là một trụ cột quan trọng trong Chiến lược Quốc phòng của Mỹ. Tờ The Star cho biết vào năm 2021, Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ ước tính rằng Washington sẽ cần 634 tỷ USD trong thập niên tới để nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của mình, tăng 28% so với dự báo 10 năm trước đó. “Việc bảo đảm chúng ta sở hữu những năng lực cần thiết để duy trì khả năng răn đe vẫn là ưu tiên số một của Mỹ vì điều đó liên quan đến các quốc gia đồng minh và đối tác của chúng ta”, tờ The Star ngày 10-6 dẫn lời ông Ratner.

Ông Ely Ratner cho biết Mỹ đang “chịu sức ép” phải hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.

Ông Ratner cũng khẳng định, Mỹ đang mở rộng “chiếc ô hạt nhân” tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho biết, Washington cùng các quốc gia đồng minh và đối tác, đang hợp tác tăng cường khả năng răn đe và sẵn sàng chiến đấu, qua đó “sẵn sàng đáp trả bất kỳ hành vi khiêu khích nào”. “Bất chấp những chuyển biến trong môi trường chiến lược, tôi vẫn tự tin rằng khả năng răn đe của chúng ta, bao gồm cả của Mỹ, các quốc gia đồng minh và đối tác là có thật và mạnh mẽ. Chúng ta sẽ tiếp tục tăng cường khả năng răn đe đó”, ông Ratner tuyên bố.

Trong báo cáo hồi tháng 3 năm nay, tổ chức phi chính phủ People's Aid (Na Uy) ước tính tới đầu năm 2023, thế giới hiện có khoảng 12.512 đầu đạn hạt nhân thuộc sở hữu của 9 quốc gia, gồm: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên. Trong số này có 9.576 đầu đạn hạt nhân ở trạng thái “sẵn sàng được sử dụng” (tăng thêm 136 đầu đạn hạt nhân so với con số 9.440 vào đầu năm 2022), có sức hủy diệt lớn hơn 135.000 quả bom nguyên tử mà Mỹ từng ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản hồi năm 1945.

Báo cáo nhấn mạnh xu hướng gia tăng số đầu đạn hạt nhân “sẵn sàng được sử dụng” bắt đầu xảy ra từ năm 2017 và rất đáng quan ngại. People's Aid cảnh báo nếu xu hướng này không dừng lại, “chúng ta sẽ sớm chứng kiến sự gia tăng lần đầu tiên về tổng số vũ khí hạt nhân trên thế giới kể từ Chiến tranh Lạnh”. Trước đó, Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính, đến tháng 1-2022, thế giới có khoảng 12.705 đầu đạn hạt nhân với khoảng 90% trong số này thuộc sở hữu của Nga và Mỹ.

Trong Niên giám 2022, SIPRI cho biết, Nga sở hữu tổng số 5.977 đầu đạn hạt nhân với 1.588 trong số này được triển khai cùng tên lửa và máy bay “trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao”. Mỹ có 5.428 đầu đạn hạt nhân nhưng có 1.750 đầu đạn hạt nhân đang được triển khai. Đứng ở các vị trí tiếp theo là Trung Quốc, Pháp, Anh, Pakistan, Ấn Độ và Israel với số lượng đầu đạn hạt nhân tương ứng là 350, 290, 225, 165, 160 và 90. SIPRI nhận định kỷ nguyên giải trừ hạt nhân “dường như sắp đến hồi kết” và nguy cơ leo thang hạt nhân đang ở mức cao nhất kể từ thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

Theo qdnd.vn