Lợi dụng hệ thống báo chí, truyền thông để tuyên truyền chống phá trên bốn vấn đề như: chính sách của Nhà nước Việt Nam; lợi dụng sự có mặt của các tổ chức quốc tế hiện nay tại Việt Nam (như các tổ chức phi chính phủ, các quỹ hỗ trợ Việt Nam, các định chế tài chính quốc tế); hình thành “ý thức tự do dân chủ” cho người dân Việt Nam; sự tương tác trong mối quan hệ Mỹ - Trung.

 

Lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề hệ trọng của mỗi quốc gia trong hoạch định, thực thi chiến lược, sách lược đối nội, đối ngoại để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua, Đảng ta rút ra một trong những bài học quan trọng hàng đầu là phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết. Trong bối cảnh tình hình mới, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “đặt lợi ích của quốc gia  dân tộc, nhân dân lên trên hết, trước hết”1.  

Lợi ích quốc gia - dân tộc có nội hàm rộng lớn. Tiếp cận ở phương diện tổng thể, thì lợi ích quốc gia - dân tộc bao gồm toàn bộ các yếu tố vật chất (lãnh thổ, chủ quyền, biển đảo, tài nguyên thiên nhiên, con người) và yếu tố tinh thần (truyền thống, văn hóa, ngôn ngữ, đạo đức, lối sống,  hệ tư tưởng…) bảo đảm cho sự phát triển của đất nước.

Tiếp cận theo lĩnh vực, thì lợi ích quốc gia - dân tộc bao gồm lợi ích về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Trong đó, lợi ích kinh tế gắn với tiến trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Lợi ích chính trị gắn liền với sự ổn định chính trị của đất nước, với giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội...

Lợi ích quốc gia - dân tộc gồm lợi ích của Đảng, Nhà nước, lợi ích các giai cấp và lợi ích của nhân dân. Trong đó, lợi ích của Đảng thống nhất với lợi ích của dân tộc, của giai cấp và nhân dân lao động. Các lợi ích của quốc gia - dân tộc hiện nay có tác động tương hỗ lẫn nhau, là tiền đề, điều kiện của nhau và đan cài trong các lĩnh vực, các mối quan hệ cả ở trong nước và quốc tế. Trong đó, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là lợi ích tối cao, bất biến, vĩnh cửu của quốc gia - dân tộc. Bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa là lợi ích sống còn của quốc gia - dân tộc.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, lợi ích quốc gia - dân tộc, Nhân dân là mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất. Đảng, Nhà nước phải lấy lợi ích quốc gia - dân tộc, Nhân dân làm nguyên tắc bất di, bất dịch trong hoạch định, đường lối chiến lược, sách lược về đối nội, đối ngoại để phát triển đất nước. Đặc biệt, trong thực hiện đường lối chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế hiện nay, trong quan hệ đối ngoại phải “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, Nhân dân trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi”2. Phải lấy lợi ích quốc gia - dân tộc, Nhân dân làm xuất phát điểm, đích hướng tới để lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động đối ngoại của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và là căn cứ, cơ sở cao nhất để xem xét, giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp, xâm phạm độc lập chủ quyền, biên giới lãnh thổ của Tổ quốc. Mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia hội nhập quốc tế phải luôn “đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, Nhân dân lên trên hết, trước hết” và phải bảo vệ cho được lợi ích đó trong bất luận hoàn cảnh nào.

Hiện nay, tình hình thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Ở trong nước, sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của Nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, nước ta cũng tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Đặc biệt, các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chông phá Đảng, Nhà nước ta. “Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới”3. Đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tiếp tục phải thấu suốt bài học phải “đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, nhân dân lên trên hết, trước hết” nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.  

Đối với các nhà trường Quân đội, vấn đề có tính nguyên tắc, yêu cầu bắt buộc trong nghiên cứu giảng dạy là phải cập nhật, quán triệt và vận dụng những quan điểm, chính sách mới của Đảng, Nhà nước để nâng cao chất lượng. Do đó, quán triệt, vận dụng bài học “đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết” mà Đại hội XIII của Đảng chỉ ra được vận dụng trong nghiên cứu giảng dạy hiện nay cần thực hiện tốt các yêu cầu sau:

Một là, phải kiên định lập trường, quan điểm nhất quán của Đảng “đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, nhân dân lên trên hết, trước hết”. Đây là yêu cầu quan trọng hàng đầu, vấn đề có tính nguyên tắc đối với công tác nghiên cứu, giảng dạy hiện nay. Chỉ có trên cơ sở như vậy, mới bảo đảm được tính Đảng, tính khoa học, tính chiến đấu, định hướng tư tưởng trong từng công trình khoa học, từng chuyên đề bài giảng. Hơn lúc nào hết, những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy ở nhà trường quân đội phải quán triệt, nhận thức sâu sắc, nắm vững quan điểm của Đảng về lợi ích quốc gia  dân tộc và bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc nhất là trong bối cảnh, tình hình hiện nay. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lập trường, quan điểm của Đảng. Quán triệt và vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Hai là, phải góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về lợi ích quốc gia  dân tộc và quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia  dân tộc. Quá trình nghiên cứu, giảng dạy phải tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững nội hàm của lợi ích quốc gia - dân tộc; quan điểm của Đảng về bảo vệ lợi ích quốc gia  dân tộc; những yếu tố tác động tích cực, tiêu cực, thời cơ thuận lợi và khó khăn thách thức trong bảo vệ lợi ích  quốc gia - dân tộc hiện nay. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, ý chí quyết tâm, khát vọng xây dựng, phát triển đất nước cho cán bộ, chiến sĩ. Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa...; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị”4, bảo vệ cho được lợi ích quốc gia - dân tộc.

 Ba là,  phải góp phần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quá trình nghiên cứu, giảng dạy cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo bài học nhằm khơi dậy trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, nhất là đảng viên trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; khắc phục sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong  nội bộ; xây dựng các tổ chức, cơ quan, đơn vị vững mạnh, toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực và uy tín, ngang tầm với đòi hỏi của yêu cầu, nhiệm vụ làm nền tảng phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn quân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cán bộ chiến sĩ, bảo đảm hài hòa lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh của văn hóa, con người trong Quân đội bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, phải góp phần tuyên truyền thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, tạo môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong nghiên cứu, giảng dạy phải góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về đường lối chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta hiện nay là: “Tiếp tục thực hiện đưòng lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế”5. Chú trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng, thúc đẩy quan hệ với các đối tác lớn, đối tác quan trọng, đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, bền vững, nhằm tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

Năm là, phải kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn làm phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, Nhân dân. Các thế lực thù địch hiện đang triệt để lợi dụng xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế để chống phá cách mạng nước ta bằng âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, làm phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, Nhân dân. Do vậy, trong nghiên cứu, giảng dạy, phải đấu tranh vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch, phản động. Kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, phản động xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, đường lối quan điểm của Đảng; những âm mưu và hành động xâm hại đến lợi ích hợp pháp của dân tộc ta... nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Tăng cường công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, bổ sung phát triển lý luận; cung cấp luận cứ khoa học để Đảng, Nhà nước tiếp tục đề ra đường lối, chiến lược, sách lược phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tr. 226.

2, Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 313.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tr. 105 - 108.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tr. 117.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tr. 117 - 118.