Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến hoạt động thi đua yêu nước và khen thưởng, theo Hồ Chí Minh, thi đua yêu nước và khen thưởng là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn. Thi đua yêu nước và khen thưởng không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, làm cho mọi người và tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung. Như vậy, tư tưởng của Người về thi đua yêu nước là hệ thống tư tưởng hoàn chỉnh, toàn diện và sâu sắc về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa, nội dung, đối tượng, kế hoạch, phương pháp, tổ chức thực hiện, kết quả phong trào thi đua, vai trò lãnh đạo của Đảng... Theo Hồ Chí Minh, thi đua là nhằm khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân vào hành động cách mạng, thực hiện tốt hơn công việc, vì mục tiêu dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc.
Vấn đề này được thể hiện trên nhiều nội dung. Trước tiên, Người chỉ ra rằng: “Công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”. Mọi người đều thi đua và thi đua trong mọi việc. Đây là quan điểm mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc. Theo Người, để sống, tồn tại và phát triển thì con người phải tiến hành lao động sản xuất, nhưng để tạo ra nhiều của cải vật chất và tinh thần cho xã hội với chất lượng ngày càng cao thì cần phải thi đua. Người chỉ ra: “Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ: Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy”.
Về phạm vi của thi đua theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức rộng lớn, không giới hạn ở thời gian nào, lĩnh vực nào, ngành nào, người nào, bất kỳ công việc gì mà ích nước, lợi nhà, dù ở địa vị nào, hễ là người Việt Nam đều có thể và cần phải thi đua, nghĩa là: “Người người thi đua. Ngành ngành thi đua. Ngày ngày thi đua” và tất cả mọi việc ích lợi cho dân sinh quốc kế, quan hệ với kháng chiến, kiến quốc, ta đều phải thi đua, thi đua phải là toàn dân, toàn diện. Thi đua không chỉ trong một giai đoạn nhất thời mà phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ, có như thế mới đảm bảo được tính toàn diện, rộng khắp cũng như ý nghĩa của việc thi đua. Người chỉ rõ: “Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian nào...”; “chớ tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời. Thật ra thi đua là phải trường kỳ. Ta phải thi đua để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công” . Thi đua thường xuyên, liên tục có tác dụng thúc đẩy mỗi người đều quyết tâm, kiên trì, bền bỉ phấn đấu để làm việc tốt hơn, đạt kết quả cao hơn, góp phần vào thành công của sự nghiệp cách mạng.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục đích của thi đua là vì độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Chính vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo cuộc sống, hạnh phúc của Nhân dân, làm mọi công việc để Nhân dân khỏi nghèo khổ, đời sống được cải thiện.
Sau khi xác định mục tiêu thi đua, phải có kế hoạch cụ thể, thiết thực và phương pháp, tinh thần trong tổ chức thực hiện phải quyết liệt, hiệu quả. Trong xây dựng kế hoạch thi đua cần xác định rõ thời gian, địa điểm, định mức công việc thực hiện một cách cụ thể, tránh đại khái chung chung. Người yêu cầu phải có kế hoạch tỉ mỉ, kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ, tự giác làm, nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực.
Người chỉ ra rằng, trong phong trào thi đua yêu nước, ai làm gì cũng phải nghĩ cách sao cho việc mình làm được hợp lý, nghĩa là lợi thời giờ, đỡ phí sức người, vật liệu, tiền tài, mà kết quả việc làm lại tốt đẹp. Người cũng căn dặn, đã thi đua là phải có lòng nhiệt tình, say mê trong cả sản xuất và chiến đấu. Bất cứ người nào cũng phải làm việc và phấn đấu tích cực, hăng hái, không sợ gian khổ, hy sinh, ra sức vượt mọi khó khăn, gian khổ, nêu gương sáng trên mọi mặt trận. Chính tinh thần thi đua là một trong những yếu tố quyết định để đưa mục đích thi đua đạt được kết quả cao trong thực tiễn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng”10, nghĩa là, phải phát huy tốt vai trò lãnh đạo của đảng trong tổ chức thực hiện thi đua. Sự lãnh đạo đúng là một đòi hỏi tất yếu của phong trào thi đua. Để phong trào thi đua phát triển rộng rãi, mạnh mẽ, liên tục, thu được hiệu quả cao, cần có sự lãnh đạo thống nhất và có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với các đoàn thể nhân dân, đảm bảo các mặt hoạt động thi đua ăn khớp, đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu đã định theo đúng đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Lãnh đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp uỷ phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua; đảng viên phải gương mẫu đi trước lôi cuốn mọi người noi theo tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”11. Trong lãnh đạo tổ chức các phong trào thi đua phải cụ thể, chặt chẽ, hiệu quả trong các khâu, các bước. Có như vậy, việc tổ chức thi đua mới có ý nghĩa, mới tìm ra được những cá nhân tích cực, sáng tạo, những tập thể biết đoàn kết khắc phục khó khăn để trở thành điển hình tiên tiến, đồng thời cũng chỉ ra được những cá nhân thiếu tích cực, yếu kém, những tập thể bị chia rẽ, hoạt động không có hiệu quả, từ đó có biện pháp khắc phục.
Khi nói về khen thưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, có thi đua thì phải có khen thưởng. Ngày 26-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Quốc lệnh quy định 10 điểm thưởng và 10 điểm phạt, đây là văn bản mang tính pháp lý đầu tiên về khen thưởng. Theo Người, để nuôi dưỡng, phát triển phong trào thì sau mỗi đợt thi đua phải tiến hành sơ kết, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, sáng kiến và cuối cùng, khâu rất quan trọng là biểu dương, nêu gương, khen thưởng. Những người tốt, việc tốt đó cần được nêu gương, khen thưởng kịp thời với ý nghĩa “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” 12.
Theo Người, khi tiến hành khen thưởng phải chặt chẽ, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và phải kịp thời mới phát huy hiệu quả, ý nghĩa của công tác này: “Đối với anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua được Đảng và Nhà nước khen thưởng phải qua nhiều cấp, nhiều ngành cân nhắc, xét duyệt. Còn với người tốt làm những việc tốt thì việc khen thưởng có thể đơn giản hơn”13. Người cũng phê phán những việc làm chưa đúng trong công tác này, đó là: “Không chịu theo dõi việc làm hằng ngày của cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân. Ai làm tốt không kịp thời nêu gương, ai làm xấu không kịp thời giúp đỡ sửa chữa”14...
Như vậy, thi đua yêu nước và khen thưởng có mối quan hệ biện chứng, bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Thi đua là cơ sở của việc khen thưởng, khen thưởng là kết quả của quá trình thi đua. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch. Khen thưởng chính xác, kịp thời có tác dụng động viên, giáo dục và nêu gương, đồng thời cổ vũ thi đua phát triển lên tầm cao mới. Ngược lại, nếu khen thưởng không đúng, không kịp thời sẽ triệt tiêu động lực, thậm chí còn gây hậu quả xấu đối với công tác thi đua. Chính vì vậy, việc sơ kết, tổng kết, bình chọn danh hiệu thi đua và xét khen thưởng phải chặt chẽ, nghiêm túc, đúng người, đúng việc, phải căn cứ vào tiêu chuẩn cụ thể, dựa trên nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng vẫn còn nguyên giá trị. Tư tưởng của Người sẽ mãi là chìa khoá, là ánh sáng chỉ đường cho chúng ta trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác này. Để vận dụng sáng tạo phương pháp động viên, tổ chức thi đua, khen thưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Để trong nâng cao chất lượng, phát huy tốt nhất hiệu quả của mặt công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt các nội dung biện pháp sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; triển khai tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong triển khai, tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của các thành viên Hội đồng thi đua, khen thưởng ở các cấp.
Hai là, tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ban, ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị; cần có nội dung, tiêu chí cụ thể, rõ ràng để dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, huy động được sự tham gia đông đảo, tích cực của quần chúng nhân dân và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Cùng với việc tổ chức các phong trào thi đua thường xuyên, cần phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề; tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua, tránh hình thức, lối mòn, nhàm chán, tẻ nhạt.
Ba là, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng công tác khen thưởng, bảo đảm khen thưởng thực chất, chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương. Tăng cường phát hiện, động viên, khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới, khen thưởng phải phù hợp với thành tích và kết quả đạt được, tránh chung chung, hình thức.
Bốn là, phát huy tốt nhất vai trò của cơ quan thông tin đại chúng trong tuyên truyền về các phong trào thi đua, nêu gương người tốt, việc tốt, nhằm nhân rộng điển hình tiên tiến, thúc đẩy, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, góp phần tạo động lực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Làm cho: “Chiến sĩ thi đua là những người mới, những người luôn luôn cố gắng thực hành cần kiệm liêm chính, là những người tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc”17.
Năm là, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực tham mưu, đề xuất, năng lực thực tiễnvà tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chuyên trách và kiêm nhiệm làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp. Đội ngũ những người làm công tác thi đua, khen thưởng cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, có bề dày kiến thức, có kinh nghiệm, gắn bó với quần chúng và phong trào thi đua, đặc biệt là cần hết sức công tâm, khách quan. Đồng thời, tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thống nhất từ trung ương đến cơ sở.
Thi đua là một chủ trương chiến lược của Đảng, một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, vì vậy các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị cần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu làm cho công tác thi đua, khen thưởng đạt nhiều thành công mới, tạo ra động lực mới, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trung tá, ThS Nguyễn Ánh Thuần
Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự/Học viện Chính trị