Ngay trong những ngày đầu năm mới 2023, Quốc hội sẽ tiến hành Kỳ họp bất thường lần thứ hai để xem xét, quyết định 5 nội dung quan trọng. Kỳ họp được tổ chức trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, để xem xét, quyết những vấn đề cần thiết, cấp bách, cần giải quyết sớm.

Lý giải về những kỳ họp bất thường của Quốc hội

Theo Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội họp hai kỳ thường lệ mỗi năm và kỳ họp bất thường khi cần để xem xét các vấn đề cần thiết, cấp bách. Kỳ họp thường kỳ khai mạc vào ngày 20-5 và 20-10 hằng năm như Nội quy kỳ họp Quốc hội đã ấn định; kỳ họp bất thường diễn ra giữa hai kỳ họp thường lệ liền nhau.

Trong trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.

“Bất thường” theo nghĩa chung nhất là sự việc diễn ra khác với bình thường, khác với thông lệ. Do đó Kỳ họp bất thường của Quốc hội là kỳ họp khác với quy định của kỳ họp thường lệ. Tính chất thời sự của nội dung kỳ họp bất thường không như những nội dung của kỳ họp thường lệ. Nếu kỳ họp thường lệ có những nội dung có thể giải quyết trong nhiều kỳ họp, thì nội dung của kỳ họp bất thường chủ yếu là những nội dung cấp bách, triển khai sớm được ngày nào thì có lợi ngày ấy, những việc không thể trì hoãn, không thể chờ đến kỳ họp thường lệ.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thì "cái tên bất thường cũng gắn với yếu tố cấp bách”.  Có nghĩa là, việc tổ chức kỳ họp bất thường là để giải quyết những việc cần thiết, cấp bách; nếu để lại sẽ chậm 5 tháng mới quyết định được.

Theo đó, khi có những việc cần thiết, cấp bách, cần giải quyết sớm thì Quốc hội sẽ có thêm những kỳ họp bất thường khác bên cạnh hai kỳ họp thường kỳ, với mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân, phục vụ cho phát triển đất nước, bảo đảm thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, không bị ách tắc; thể hiện sự chủ động, tích cực của Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; thể hiện rõ tính chủ động, nhanh nhạy, linh hoạt cũng như tầm nhìn xa, trông rộng và sự vào cuộc chuẩn bị từ sớm, từ xa của Quốc hội. 

Vừa qua, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó cũng đặt yêu cầu tiếp tục đổi mới hoạt động Quốc hội theo hướng nghiên cứu tăng hợp lý số kỳ họp của Quốc hội.

Khi có những việc cần thiết, cấp bách, cần giải quyết sớm thì Quốc hội sẽ có thêm những kỳ họp bất thường khác bên cạnh hai kỳ họp thường kỳ

Điểm nhấn Kỳ họp bất thường lần thứ nhất

Quốc hội khóa XV đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất vào đầu năm 2022 để xem xét, quyết định 4 vấn đề quan trọng gồm: Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Đó là những nội dung lớn, cấp bách, tác động trực tiếp đến sự phục hồi, phát triển của đất nước trong điều kiện “bình thường mới”. Việc triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất được coi là quyết định lịch sử của Quốc hội Việt Nam trong 76 năm qua, khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất cũng như nỗ lực đổi mới, hành động vì lợi ích nhân dân.

Thực tiễn đã chứng minh rằng, những nội dung bàn thảo tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt cho năm 2022, năm 2023, mà còn có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo.

Trong đó, điểm nhấn chính là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 8% GDP để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02% - lập kỷ lục trong hơn 10 năm qua, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Với những quyết sách kịp thời đã góp phần đưa GDP năm 2022 tăng 8,02% - lập kỷ lục trong hơn 10 năm qua, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Ảnh minh họa: vtv.vn

Những quyết sách quan trọng tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai

Lần này, căn cứ vào đề xuất của Thủ tướng Chính phủ, công tác chuẩn bị đã chín muồi, Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ hai. Như tinh thần mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Kỳ họp bất thường chỉ giải quyết vấn đề cấp bách, được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận cao. Bất thường chỉ là tiến độ chứ không coi nhẹ chất lượng. Vấn đề cấp bách mà chưa chuẩn bị kịp thì đưa vào phiên thường kỳ, đó là nguyên tắc”. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã nhấn mạnh, công việc cuối năm rất nhiều, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan trước đây đã cố gắng nỗ lực rồi, bây giờ vì cấp bách, khẩn trương cho nên càng phải khẩn trương hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Bất thường chỉ là tiến độ chứ không coi nhẹ chất lượng.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 5 nội dung quan trọng.

Thứ nhất là xem xét, thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi);

Thứ hai là xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Thứ ba là xem xét việc tổng kết việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19;

Đồng thời, xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và việc tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Thứ tư là xem xét, quyết định một số nội dung về tài chính, ngân sách nhà nước: việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; việc điều chỉnh kế hoạch  vốn vay lại năm 2022 của các địa phương;

Thứ năm là công tác nhân sự đại biểu và nhân sự khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội (nếu có).

Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ tự nghiên cứu Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Dự kiến Kỳ họp bất thường lần thứ 2 khai mạc vào ngày 5-1-2023 và bế mạc vào chiều 9-1-2023. Kỳ họp dự kiến diễn ra theo hình thức tập trung cả kỳ tại Nhà Quốc hội.

THẢO NGUYÊN (qdnd.vn)